Từ hiện tượng ‘Sư Thích Minh Tuệ’: điều kiện được công nhận là tu sĩ thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #611675 17/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 10

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (920)
    Số điểm: 14785
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 312 lần


    Từ hiện tượng ‘Sư Thích Minh Tuệ’: điều kiện được công nhận là tu sĩ thế nào?

    Thời gian gần đây, hiện tượng ‘Sư Thích Minh Tuệ’ rất thu hút quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng Sư Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo

    (1) Điều kiện được công nhận là tu sĩ Phật giáo như thế nào?

    Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam không có quy định nào quy định tu sĩ là gì.

    Phân tích theo câu chữ thì “tu” là hành động tu hành, tu tập; từ “sĩ” được hiểu là một người có học hành, được huấn luyện (sĩ tử, kẻ sĩ,..). Như vậy, có thể hiểu “tu sĩ” là từ dùng để chỉ người xuất gia đi tu hành, tu tập và có kiến thức về tôn giáo mà mình xuất gia tu hành.

    Theo khoản 7 Điều 2 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có giải thích thuật ngữ “nhà tu hành” như sau: nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo.

    Như vậy, có thể hiểu tu sĩ chính là nhà tu hành theo quy định của pháp luật.

    Theo Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ (2022-2027) quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được xuất gia tại Điều 34 như sau:

    Nam, Nữ Phật tử có nguyện vọng phát tâm xuất gia, tu học tại các Tự viện phải theo đúng Luật Phật và đủ các điều kiện sau đây:

    1- Được sự chấp thuận của cha, mẹ hoặc người giám hộ. 

    2- Không vi phạm pháp luật. 

    3- Phải đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt. 

    4- Giấy xác nhận tình trạng độc thân (nếu không có kết hôn). 

    5- Được vị Trụ trì, Trưởng Ban Quản trị Tự viện bảo lãnh, Ban Trị sự nơi xuất gia chấp thuận. 

    6- Ban Trị sự huyện xác nhận và báo trình Ban Tăng sự tỉnh tri tường. 

    7- Việc nhận người vào tu tại Tự viện phải thực hiện theo quy định của Luật Phật, Hiến chương Giáo hội, pháp luật Nhà nước. 

    8- Nam, Nữ Phật tử dưới tuổi vị thành niên, do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị Trụ trì cơ sở Tự viện. 

    9- Nam nữ Phật tử đã có gia thất, muốn xuất gia phải có sự đồng ý của vợ hoặc chồng và theo các quy định của Quy chế này. 

    10- Sau khi các thủ tục xuất gia hoàn tất, Ban Tăng sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia.

    Như vậy điều kiện để được công nhận là tu sĩ Phật giáo chính là điều kiện xuất gia theo Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau khi xuất gia theo đúng quy trình theo quy định của Giáo hội Phật giáo, người xuất gia sẽ được coi là nhà tu hành (tức tu sĩ) Phật giáo.

    Trường hợp sư Thích Minh Tuệ được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam lên tiếng là không phải tu sĩ tức là sư Thích Minh Tuệ chưa thực hiện việc xuất gia theo đúng Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

    (2) Hồ sơ xuất gia là gì?

    Người muốn xuất gia ngoài việc phải đáp ứng đủ các điều kiện được xuất gia theo Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn phải chuẩn bị hồ sơ xuất gia.

    Theo khoản 11 Điều 34 Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hồ sơ xuất gia gồm có:

    - Tự tay viết đơn phát nguyện, hoặc theo mẫu do Ban Trị sự tỉnh ban hành, ghi rõ lý do và nguyện vọng phát tâm xuất gia;

    - Có văn bản ký thác gửi cho Trụ trì Tự viện của Cha - Mẹ, hoặc người Giám hộ. Áp dụng cho trường hợp người xuất gia dưới tuổi thành niên. 

    - Sơ yếu lý lịch còn giá trị sử dụng không quá 6 tháng; 

    - Phiếu khám sức khỏe; 

    - Nếu đã kết hôn, muốn xuất gia phải có văn bản đồng ý của vợ, hoặc chồng, hoặc phán quyết của Tòa án. 

    Do nhân duyên, trụ trì được phép xuất gia cho nam, nữ Phật tử. Tăng xuất gia cho nữ Phật tử, sau khi làm lễ xuất gia xong, phải gửi sang Tự viện Ni để được giáo dục, hướng dẫn tu học và thọ giới Sa di Ni, Thức xoa ma na, Tỳ kheo Ni theo Luật Phật (Điều 35 Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam).

    Ngoài ra, Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng quy định Ni (nhà sư nữ) không được phép xuất gia cho nam Phật tử.

    (3) Học cử nhân Phật học nhưng không xuất gia có được công nhận là tu sĩ Phật giáo không?

    Theo thông tin chính thức từ Văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho biết Học viện sẽ tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XIX năm 2024, hồ sơ đăng ký thi tuyển được phát hành từ ngày 05/4/2024, thi tuyển vào 14/7/2024.

    Theo đó, đối tượng dự thi tuyển sinh cử nhân Phật học bao gồm Tăng Ni sinh (Sa-di, Sa-di-ni trở lên), không quá 45 tuổi; Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (tú tài) hoặc tương đương; Phải có bằng Trung cấp Phật học.

    Như vậy, đối tượng tuyển sinh cử nhân Phật học là Tăng, Ni sinh (Sa-di, Sa-di-ni trở lên). Mà Tăng, Ni sinh chính là các nhà sư nam và nữ đang tu tập Phật giáo. Như vậy, người được tham dự tuyển sinh cử nhân Phật học là những nhà sư nam và nữ đang tu tập Phật giáo, tức là đã xuất gia.

    Từ đó có thể kết luận, người học cử nhân Phật học là người đã phải xuất gia, hay nói cách khác những người học cử nhân Phật học chính là những tu sĩ Phật giáo.

     
    2465 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận