Thủ tục kết nạp Đảng đối với người quá tuổi Đoàn

Chủ đề   RSS   
  • #616123 07/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Thủ tục kết nạp Đảng đối với người quá tuổi Đoàn

    Đã quá tuổi Đoàn thì có còn cơ hội được kết nạp vào Đảng không? Nhiệm vụ và quyền hạn của Đảng viên là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Bao nhiêu tuổi thì hết tuổi Đoàn?

    Tuổi Đoàn ở đây được hiểu là độ tuổi được sinh hoạt Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

    Theo đó, tại khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 2022 quy định, thanh niên Việt Nam tuổi từ 16 đến 30, tích cực học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc, được tìm hiểu về Đoàn và tán thành Điều lệ Đoàn, tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đoàn, có lý lịch rõ ràng đều được xét kết nạp vào Đoàn.

    Ngoài ra, Điều 4 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 2022 có quy định Đoàn viên quá 30 tuổi, chi đoàn làm lễ trưởng thành Đoàn; nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn, chi đoàn xem xét, quyết định, nhưng không quá 35 tuổi.

    Như vậy, có thể hiểu độ tuổi hết tuổi đoàn là 30 tuổi, trường hợp có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn thì sẽ được chi đoàn xem xét, nhưng chỉ được sinh hoạt tối đa đến năm 35 tuổi.

    (2) Thủ tục kết nạp Đảng đối với người quá tuổi Đoàn

    Theo quy định tại Điều 4 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, người vào Đảng phải:

    - Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;

    - Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;

    - Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.

    Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.

    Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.

    Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu quần chúng là đoàn viên và đang trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn, thì khi xem xét kết nạp vào Đảng, nhất định phải có sự giới thiệu của ban chấp hành Đoàn cơ sở.

    Trong trường hợp người xin vào Đảng đã hết tuổi sinh hoạt Đoàn (30 tuổi) và không còn tham gia Đoàn nữa, thì khi xét kết nạp, chỉ cần có hai đảng viên chính thức giới thiệu là đủ.

    (3) Quá trình trở thành Đảng viên chính thức như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 5 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp.

    Trong thời kỳ dự bị, chi bộ tiếp tục giáo dục, rèn luyện và phân công đảng viên chính thức giúp đảng viên đó tiến bộ.

    Khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp. Trường hợp không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên dự bị.

    Lưu ý, Nghị quyết của chi bộ về đề nghị công nhận đảng viên chính thức phải được cấp uỷ có thẩm quyền quyết định.

    (4) Đảng viên có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

    Theo quy định tại Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, nhiệm vụ của Đảng viên bao gồm:

    - Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.

    - Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

    - Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

    - Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 3 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, Đảng viên có các quyền sau đây:

    - Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.

    - Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

    - Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.

    - Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.

    Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

    Việc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là yếu tố quyết định đến sự thành công của Đảng và sự phát triển của đất nước. Mỗi đảng viên cần không ngừng phấn đấu để hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

     
    435 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận