Quy định về việc sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản bí mật Nhà nước

Chủ đề   RSS   
  • #615986 05/09/2024

    Quy định về việc sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản bí mật Nhà nước

    Nội dung cần lưu ý khi sử dụng máy tính được dùng để soạn thảo văn bản bí mật Nhà nước? Xử phạt hành vi sử dụng máy tính dùng để soạn thảo văn bản bí mật Nhà nước không đúng quy định?

    1/ Các quy định khi sử dụng máy tính dùng để soạn thảo văn bản bí mật Nhà nước

    - Căn cứ Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước thì hành vi liên quan đến máy tính sau bị cấm:

    + Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

    + Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.

    - Căn cứ Điều 12 Quy chế bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng trong hoạt động của Ủy ban Dân tộc được ban hành kèm theo Quyết định 650/QĐ-UBDT năm 2023 quy định về việc đảm bảo an toàn sử dụng máy tính độc lập lưu giữ bí mật nhà nước và sử dụng thiết bị ngoại vi thì máy tính sử dụng soạn thảo văn bản bí mật nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

    + Máy tính sử dụng soạn thảo văn bản bí mật nhà nước phải bảo đảm không được kết nối mạng nội bộ, mạng Internet.

    + Máy tính sử dụng soạn thảo văn bản bí mật nhà nước chỉ cung cấp và bàn giao cho cán bộ được giao nhiệm vụ soạn thảo bí mật nhà nước.

    + Máy tính sử dụng soạn thảo văn bản bí mật nhà nước phải được đặt mật khẩu có độ dài 8 ký tự trở lên và gồm các ký tự hoa, thường, số và ký tự đặc biệt (!,@,#,$,%...), sau 03 tháng phải thay đổi mật khẩu nhằm đảm bảo an toàn.

    + Không được sử dụng các trang thiết bị di động như ổ cứng di động, USB vào máy tính soạn thảo văn bản bí mật nhà nước; trong trường hợp phải sử dụng thiết bị di động (USB, ổ cứng di động) cần phải bảo quản chặt chẽ không được mang ra khỏi phòng làm việc, không được cắm vào các máy tính khác để sao lưu dữ liệu; đặc biệt sau khi dùng để sao lưu dữ liệu thì có thể xóa trắng usb di động ổ cứng di động nhằm đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu mật.

    + Đối với các máy tính không phải thực hiện nhiệm vụ soạn thảo văn bản bí mật nhà nước khi kết nối với USB, ổ cứng di động phải được quét mã độc trước khi sử dụng.

    - Cũng tại Điều 7 Quy chế bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng trong hoạt động của Ủy ban Dân tộc được ban hành kèm theo Quyết định 650/QĐ-UBDT năm 2023 quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ứng dụng công nghệ thông tin thì:

    + Không được sử dụng máy tính nối mạng (Internet và nội bộ) để soạn thảo văn bản, chuyển giao, lưu trữ thông tin có nội dung bí mật nhà nước; không được cung cấp tin, bài, tài liệu và đưa thông tin bí mật nhà nước lên Trang tin điện tử/Cổng Thông tin điện tử (gọi tắt là Cổng Thông tin). Nghiêm cấm cài đặt, lắp đặt các thiết bị lưu trữ tài liệu có nội dung bí mật nhà nước vào máy tính nối mạng Internet.

    + Khi sửa chữa, khắc phục các sự cố của máy tính dùng để soạn thảo văn bản mật, các cơ quan phải chuyển cho Trung tâm Chuyển đổi số xử lý. Không được cho phép bất kỳ các công ty tư nhân hoặc người không có trách nhiệm trực tiếp sửa chữa, xử lý và khắc phục các sự cố của máy tính dùng để soạn thảo văn bản mật.

    + Trước khi thanh lý các máy tính trong cơ quan, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin phải dùng các chương trình phần mềm xóa bỏ vĩnh viễn dữ liệu trong ổ cứng máy tính. Không được thanh lý ổ cứng máy tính dùng soạn thảo và chứa các nội dung mật.

    2/ Xử phạt vi phạm về việc sử dụng máy tính dùng để soạn thảo văn bản bí mật Nhà nước

    Căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về Vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước thì việc sử dụng máy tính dùng để soạn thảo văn bản bí mật Nhà nước sẽ bị xử phạt như sau:

    - Hành vi không loại bỏ bí mật nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước và hành vi tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt VPHC với mức phạt:

    + Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân;

    + Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức.

    - Hành vi soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật sẽ xử phạt VPHC với mức phạt:

    + Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân;

    + Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

    Lưu ý: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền tại Điều 19 chỉ áp dụng cho cá nhân vi phạm, trường hợp là tổ chức mức phạt hành chính sẽ nhân hai cho cùng hành vi.

    Trên đây là một số quy định đối với máy tính được dùng để soạn thảo văn bản bí mật Nhà nước.

     

     
    119 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận