Những quy định cần biết trong việc sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm

Chủ đề   RSS   
  • #612819 14/06/2024

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 2

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (434)
    Số điểm: 3889
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 75 lần


    Những quy định cần biết trong việc sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm

    Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm là chất được chủ định sử dụng trong quá trình chế biến nguyên liệu thực phẩm hay các thành phần của thực phẩm nhằm thực hiện mục đích công nghệ, có thể được tách ra hoặc còn lại trong thực phẩm. Vậy khi sử dụng loại chất này cần đảm bảo điều kiện gì? 

    Những hành vi bị cấm trong việc sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm 

    Tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về những hành vi bị cấm, trong đó có bao gồm hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

    Theo đó, hành vi bị cấm trong việc sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm gồm: 

    - Sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng;

    - Sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng. 

    - Sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép;

    - Sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

    Danh mục chất hỗ trợ chế biến trong thực phẩm và mức giới hạn sử dụng được phép được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm Thông tư 17/2023/TT-BYT

    Điều kiện sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm

    Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với chất hỗ trợ chế biến trong thực phẩm được quy định tại Điều 26 Luật an toàn thực phẩm 2010, dẫn chiếu đến Điều 13, Điều 17 Luật An toàn thực phẩm 2010 bao gồm các điều kiện sau: 

    - Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

    - Có hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu đính kèm trong mỗi đơn vị sản phẩm bằng tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo xuất xứ sản phẩm.

    - Thuộc Danh mục phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm Thông tư 17/2023/TT-BYT.

    - Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Thủ tục tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm được hướng dẫn bởi Chương I và Chương II Nghị định 15/2018/NĐ-CP

    Xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng chất hỗ trợ chế biến thực phẩm

    Tại Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm như sau : 

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng, trừ vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP;

    + Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng không đúng đối tượng thực phẩm;

    + Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép.

    - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

    - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

    - Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép;

    + Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Hình thức xử phạt bổ sung:

    - Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP;

    - Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP;

    - Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP;

    - Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

    Biện pháp khắc phục hậu quả:

    - Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm vi phạm;

    - Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

    Như vậy, khi sử dụng loại chất này cần đảm bảo điều kiện theo quy định trên. Trường hợp sử dụng không đảm bảo được điều kiện sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 115/2018/NĐ-CP

     
    106 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận