Đóng đảng phí là một trong các nhiệm vụ của đảng viên được quy định tại Điều lệ Đảng. Trong trường hợp quên, không đóng đảng phí bao lâu thì bị xóa tên trong danh sách đảng viên?
(1) Không đóng đảng phí bao lâu thì bị xóa tên trong danh sách đảng viên?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011, nhiệm vụ của đảng viên là:
“....
4.Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.”
Dựa theo quy định trên, việc đóng đảng phí đúng quy định là nhiệm vụ của đảng viên khi tham gia vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Căn cứ theo khoản 8.1 Điều 8 Quy định 24/QĐ-TW quy định về việc xóa tên đảng viên khỏi danh sách như sau:
Chi bộ xem xét, đề nghị cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên đối với các trường hợp sau:
- Đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng
- Đảng viên tự ý trả thẻ đảng viên hoặc tự huỷ thẻ đảng viên
- Đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục nhưng sau thời gian 12 tháng phấn đấu không tiến bộ
- Đảng viên hai năm liền vi phạm tư cách đảng viên
- Đảng viên không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị
Như vậy, đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí 03 tháng trong năm mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị chi bộ xem xét, đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên.
Trường hợp đảng viên có lý do chính đáng cho việc không đóng đảng phí thì sẽ không bị xóa tên trong danh sách đảng viên.
(2) Trường hợp được miễn giảm mức đóng đảng phí
Để tạo điều kiện cho các đảng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Đảng cũng có quy định về việc miễn giảm mức đóng đảng phí cho đảng viên.
Theo đó, tại khoản 6 Mục I trong Quy định về chế độ đảng phí được ban hành kèm theo Quyết định 342/QĐ-TW năm 2010 quy định như sau:
- Khuyến khích đảng viên thuộc mọi đối tượng trên đây tự nguyện đóng đảng phí cao hơn mức quy định nhưng phải được chi ủy đồng ý.
- Đảng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nếu có đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng đảng phí, chi bộ xem xét, báo cáo lên cấp ủy cơ sở quyết định.
Như vậy, đảng viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm đơn đề nghị miễn hoặc giảm mức đóng đảng phí thì sẽ được chi bộ xem xét, báo cáo lên cấp ủy để đưa ra quyết định có miễn hoặc giảm mức đóng đảng phí cho đảng viên không.
(3) Mức đóng đảng phí hiện nay như thế nào?
Căn cứ theo Mục I của Quy định về chế độ đảng phí được ban hành kèm theo Quyết định 342/QĐ-TW năm 2010, thu nhập hằng tháng của đảng viên để tính đóng đảng phí bao gồm:
- Tiền lương, một số khoản phụ cấp
- Tiền công
- Sinh hoạt phí
- Thu nhập khác.
- Đảng viên xác định được thu nhập thường xuyên, đóng đảng phí theo tỷ lệ (%) của thu nhập hằng tháng (chưa tính trừ thuế thu nhập cá nhân)
- Đảng viên khó xác định được thu nhập thì quy định mức đóng cụ thể hằng tháng cho từng loại đối tượng.
Theo đó, mức đóng đảng phí được quy định cho từng đối tượng được quy định như sau:
- Đảng viên trong các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang: đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền lương, các khoản phụ cấp; tiền công; sinh hoạt phí.
- Đảng viên hưởng lương bảo hiểm xã hội: đóng đảng phí hằng tháng bằng 0,5% mức tiền lương bảo hiểm xã hội.
- Đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế: đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ quỹ tiền lương của đơn vị.
- Đảng viên khác ở trong nước (bao gồm đảng viên nông nghiệp, nông thôn, đảng viên là học sinh, sinh viên…): đóng đảng phí từ 2.000 đồng đến 30.000 đồng/tháng. Đối với đảng viên ngoài độ tuổi lao động, mức đóng đảng phí bằng 50% đảng viên trong độ tuổi lao động.
- Đảng viên sống, học tập, làm việc ở ngoài nước:
+ Đảng viên làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở ngoài nước; đảng viên là lưu học sinh theo Hiệp định được nước ngoài tài trợ hoặc được đài thọ từ ngân sách nhà nước đóng đảng phí bằng 1% mức sinh hoạt phí hằng tháng.
+ Đảng viên đi du học tự túc; đảng viên đi xuất khẩu lao động; đảng viên đi theo gia đình, đảng viên là thành phần tự do làm ăn sinh sống, mức đóng hằng tháng từ 2 đến 5 USD.
+ Đảng viên là chủ hoặc đồng chủ sở hữu các doanh nghiệp, khu thương mại, cửa hàng dịch vụ, mức đóng tối thiểu hằng tháng là 10 USD
Như vậy, tùy theo công việc và đối tượng mà mức đóng đảng phí sẽ khác nhau, không áp dụng một mức phí cho tất cả đảng viên. Đảng viên có nhiệm vụ phải đóng đảng phí đúng quy định, trừ các trường hợp được miễn, giảm đóng đảng phí.