Khi người vay tiền chết, ai là người có nghĩa vụ trả nợ?

Chủ đề   RSS   
  • #611909 24/05/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    Khi người vay tiền chết, ai là người có nghĩa vụ trả nợ?

    Khi một người vay tiền qua đời, vấn đề về trách nhiệm thanh toán khoản nợ của họ thường gây ra nhiều thắc mắc và tranh cãi. Không ít bộ phận thắc mắc rằng liệu khi người vay tiền chết, ai là người có nghĩa vụ trả nợ?

    Trách nhiệm trả nợ sau khi người vay chết là một vấn đề pháp lý phức tạp, liên quan đến quyền lợi của cả bên cho vay và người thừa kế.

    Khi người vay tiền qua đời, tài sản và nghĩa vụ của họ sẽ được chuyển giao theo quy định của pháp luật về thừa kế. Người thừa kế có trách nhiệm giải quyết các khoản nợ từ tài sản mà họ thừa hưởng.

     

    (1) Người vay tiền có nghĩa vụ gì?

    Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 .

    Cụ thể theo Điều 466 BLDS năm 2015 quy định về nghĩa vụ của người vay như sau:

    - Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

    - Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    -Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

    + Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015 

    + Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Như vậy, bên vay tiền phải có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến hạn. Trong trường hợp đến hạn nhưng bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả thêm lãi trên nợ gốc và lãi chậm trả trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

    (2)   Khi người vay tiền chết, ai là người có nghĩa vụ trả nợ?

    Nghĩa vụ khi một cá nhân chết đi sẽ được chuyển tiếp cho người thừa kế của người đó trong phạm vi di sản để lại theo quy định tại Điều 614 và Điều 615 BLDS năm 2015.

    Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại theo như Điều 615 BLDS năm 2015 như sau:

    -  Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

    - Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    - Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

    Như vậy, khi người vay tiền chết, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Hiện nay có không ít người thừa kế biết về khoản vay mà người chết để lại nên đã từ chối nhận di sản vì không muốn trả nợ thay. Về vấn đề này, khoản 1 Điều 620 BLDS năm 2015 quy định như sau

    Người thừa kế không có quyền từ chối di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. 

    Bên cho vay có thể yêu cầu những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trường hợp người thừa kế cố ý không trả, bên cho vay có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu những người này trả nợ. 

    Điều luật này nhằm đảm bảo quyền lợi nhận lại tiền của bên cho vay và ngăn ngừa người thừa kế cố ý không muốn trả nợ.

    Ngoài ra, đối với trường hợp nếu trong hợp đồng vay tiền cho thỏa thuận chỉ người vay là người phải trả nợ thì khi người này chết, hợp đồng vay sẽ chấm dứt bởi theo quy định tại khoản 3 Điều 422 BLDS năm 2015 như sau:

    Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.

    Như vậy, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận hợp đồng vay tài sản sẽ chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng chết đi.

    Tóm lại, khi người vay tiền chết, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại trừ trường hợp hai bên giao kết hợp đồng có thỏa thuận khác. 

    Người thừa kế không có quyền từ chối di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

     
    2664 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamtuyet9366 vì bài viết hữu ích
    admin (01/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận