Khi nào nên lập hợp đồng hợp tác?

Chủ đề   RSS   
  • #527776 06/09/2019

    HuyenVuLS
    Top 150
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/07/2009
    Tổng số bài viết (575)
    Số điểm: 30553
    Cảm ơn: 141
    Được cảm ơn 800 lần
    SMod

    Khi nào nên lập hợp đồng hợp tác?

    Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm; Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản (Điều 504 BLDS năm 2015).
     
    Hợp đồng hợp tác được ghi nhận trong BLDS năm 2005 tại phần quy định về chủ thể tổ hợp tác. Tuy nhiên, đến BLDS năm 2015 thì hợp đồng hợp tác lần đầu tiên được ghi nhận một mục riêng, nằm trong Chương XVI quy định về các hợp đồng thông dụng. Có thể thấy, BLDS năm 2015 đã chú trọng và nâng tầm quan trọng của hợp đồng hợp tác trong mối tương quan với các hợp đồng khác.
    Hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở nhu cầu tập hợp nguồn lực nhằm cùng sản xuất, kinh doanh. Các cá nhân, pháp nhân cùng hợp tác, liên kết với nhau bằng một hợp đồng hợp tác để cùng sản xuất, kinh doanh đạt hiểu quả cao hơn.
     
    Hợp đồng hợp tác là một dạng của hợp đồng dân sự, vì vậy, hợp đồng hợp tác có những đặc điểm sau:
     
    (1). Hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Giống như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên tham gia. Các bên thỏa thuận nội dung cơ bản trong hợp đồng, quy định đối tượng, mục đích cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Điểm đặc trưng trong hợp đồng hợp tác là quyền và nghĩa vụ của các bên không đối lập nhau. Các chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác thường có quyền, nghĩa vụ như nhau. Quy định về số lượng chủ thể của hợp đồng hợp tác có sự thay đổi căn bản so với Điều 111 BLDS năm 2005, chủ thể của hợp đồng hợp tác phải từ ba cá nhân trở lên, còn ở BLDS năm 2015 chỉ quy định chung chung, không ấn định cụ thể số lượng chủ thể, do đó theo nguyên tắc chung của hợp đồng, số lượng chủ thể của hợp đồng hợp tác chỉ cần từ hai chủ thể trở lên.
     
    (2). Chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác là các cá nhân, pháp nhân cùng đóng góp tài sản, công sức. Pháp luật cho phép mọi cá nhân, pháp nhân thỏa mãn các điều kiện luật định đều được tham gia vào hợp đồng hợp tác. Các chủ thể có thể đóng góp tài sản hoặc công sức hoặc cả hai nhằm cùng thực hiện công việc, cùng hưởng lợi ích từ kết quả công việc đem lại.
     
    (3). Mục đích của hợp đồng hợp tác là cùng thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Các chủ thể phải thỏa thuận cụ thể công việc cùng hợp tác, cách thức chia sẻ lợi ích cũng như cơ chế chịu trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia hợp đồng. Qúa trình thực hiện công việc, chia sẻ lợi ích, chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại phát sinh trong quá trình thực hiện công việc tuân thủ theo các nguyên tắc mà các bên thỏa thuận.
     
    Cả BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 đều thừa nhận mục đích của hợp đồng hợp tác là nhằm thỏa thuận về việc cùng nhau tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận. Tuy nhiên, xét về kết quả thì hợp đồng hợp tác được quy định trong BLDS năm 2005 là cơ sở để hình thành chủ thể “tổ hợp tác”; đến BLDS năm 2015, tổ hợp tác không được thừa nhận là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Cùng với việc thay đổi đó, kết quả của hợp đồng hợp tác không làm phát sinh chủ thể tổ hợp tác như quy định trong BLDS năm 2005.
     
    Quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng hợp tác
     
    Thứ nhất, quy định về nội dung của hợp đồng hợp tác
     
    Điều 505 BLDS năm 2015 được kế thừa gần như toàn bộ quy định tại khoản 2 Điều 111 BLDS năm 2005. Khi nói đến nội dung của hợp đồng thì ta hiểu đó là tổng hợp các điều, khoản mà các bên thỏa thuận nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Hợp đồng hợp tác được tham gia bởi nhiều chủ thể có vị trí ngang nhau cùng hợp tác, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Vai trò của hợp đồng này nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác, tận dụng nguồn lực của nhiều chủ thể trong xã hội nên sự ảnh hưởng của quá trình thực hiện hợp đồng tới sự ổn định của chủ thể là tương đối lớn. Chính vì vậy, nhà làm luật nước ta đã ghi nhận những nội dung cơ bản của hợp đồng để định hướng cho các chủ thể trong quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng.
     
    Theo quy định tại Điều 505 BLDS năm 2015 thì Hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau:
     
    (1). Về mục đích, thời hạn hợp tác: Mục đích là các lợi ích mà chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác hướng tới. Việc quy định mục đích sẽ giúp định hướng việc sử dụng tài sản. Cùng thực hiện công việc hướng đến mục đích này; Thời hạn hợp tác là khoảng thời gian các chủ thể cùng góp sức, cùng sử dụng tài sản để thực hiện công việc hợp tác chung.
     
    (2). Về họ, tên, nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của pháp nhân: Tham gia hợp đồng hợp tác bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, nếu thành viên là cá nhân thì các chủ thể phải ghi nhận rõ ràng họ, tên và nơi cư trú; nếu thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở của pháp nhân. Việc ghi nhận rõ các thông tin của chủ thể để tránh trường hợp nhầm lẫn trong xác định thành viên hợp tác.
     
    (3). Về tài sản đóng góp: Các chủ thể có thể đóng góp tài sản hoạt động hợp tác nên hợp đồng phải ghi nhận rõ ràng tài sản đóng góp là tài sản nào, có giá trị bao nhiêu. Việc ghi nhận cụ thể tài sản đóng góp là cơ sở xác định giá trị tài sản hợp tác và định hướng việc sử dụng tài sản phù hợp với công việc hợp tác. Mức đóng góp tài sản của các thành viên là ngang bằng hoặc được xác định theo tỷ lệ khác nhau. Tỷ lệ đóng góp tài sản giữa các thành viên hợp tác là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định việc phân chia lợi nhuận sau này giữa các chủ thể của hợp đồng.
     
     (4). Đóng góp bằng sức lao động: Chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác có thể đóng góp bằng sức lao động của mình. Trong nội dung hợp đồng phải ghi nhận rõ chủ thể nào đóng góp bằng sức lao động và quá trình sử dụng lao động vào công việc hợp tác như thế nào.
     
    (5). Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức: Hoa lợi, lợi tức là các lợi ích thu được từ quá trình thực hiện công việc hợp tác. Tránh tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể, hợp đồng hợp tác cần ghi rõ phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức cho từng chủ thể. Việc phân chia hoa lợi, lợi tức thường được xác định trên cơ sở tỷ lệ đóng góp sức lao động, tài sản của từng chủ thể trừ trường hợp các chủ thể trong hợp đồng xác định phương thức khác để phân chia.
     
    (6). Về quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác: Khi tham gia vào hợp đồng hợp tác, từng thành viên có các quyền, nghĩa vụ nhất định. Phạm vi các quyền, nghĩa vụ của từng thành viên hợp tác được xác định theo nội dung ghi nhận trong hợp đồng.
     
    (7). Về quyền, nghĩa vụ của người đại diện: Tham gia vào hợp đồng hợp tác gồm nhiều cá nhân, pháp nhân. Để thuận lợi cho quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt khi tham gia giao kết hợp đồng với một chủ thể khác, các thành viên có thể cử một người đại diện cho các thành viên hợp tác.; Tránh trường hợp vượt quá phạm vi thẩm quyền hoặc thực hiện không đúng thẩm quyền của mình, hợp đồng hợp tác cũng phải được ghi nhận phạm vi quyền, nghĩa vụ của người đại diện cho các thành viên hợp tác.
     
    (8). Về điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của các thành viên: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, dưới sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhiều chủ thể có thể muốn tham gia vào hợp đồng hợp tác hoặc nhiều thành viên hợp tác muốn rút khỏi hợp đồng. Do đó, trong hợp đồng hợp tác cần quy định cụ thể các điều kiện tham gia hoặc rút khỏi để việc tham gia hoặc không tham gia của thành viên hợp tác không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của việc hợp tác.
     
    hợp đồng hợp tác
     
    (9). Về điều kiện chấm dứt hợp tác: Hợp đồng hợp tác cũng như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng có thể chấm dứt trong các điều kiện nhất định. Do đó, hợp đồng hợp tác nên quy định cụ thể các điều kiện để chấm dứt việc hợp tác giữa các thành viên hợp tác. Điều kiện chấm dứt việc hợp tác có thể là nền tảng để xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng hợp tác.
     
    Thứ hai, tài sản chung của các thành viên hợp tác
     
    Bản chất của hợp đồng hợp tác là sự liên kết của các thành viên hợp tác cùng thực hiện một công việc. Để thực hiện công việc này, mỗi thành viên có thể thỏa thuận đóng góp một phần tài sản và cùng tạo lập khối tài sản chung theo phần của các thành viên. Tài sản đóng góp có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản. Quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác, pháp luật ghi nhận như sau (Điều 506 BLDS năm 2015):
     
    (1) Cơ sở hình thành tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác;
    (2) Hậu quả pháp lý đối với việc chậm góp tiền;
    (3) Định đoạt tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất và các tài sản khác;
    (4) Nguyên tắc phân chia tài sản chung trước khi hợp đông hợp tác chấm dứt;
    (5) Mối liên hệ giữa phân chia tài sản chung với quyền, nghĩa vụ của các thành viên hợp tác.
     
     Các quy định về tài sản chung của các thành viên hợp tác là cơ sở pháp lý để các thành viên hợp tác thực hiện trong quá trình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt khối tài sản chung của mình. Đây cũng là cơ sở để xác định quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp phân chia tài sản chung. Đồng thời, nếu các thành viên hợp tác phát sinh tranh chấp về phân chia tài sản chung thì đây cũng là cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp này trong trường hợp nội dung hợp đồng hợp tác không có thỏa thuận.
    Thứ ba, về quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác
     
    Khi tham gia vào hợp đồng hợp tác, các thành viên hợp tác sẽ có các quyền, nghĩa vụ nhất định. Quyền, nghĩa vụ của các thành viên được xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì quyền, nghĩa vụ được xác định theo quy định tại Điều 507 BLDS nắm 2015 với những nội dung sau:
     
    (1). Về quyền được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác: Việc hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác phải tuân thủ theo quy định ghi nhận trong hợp đồng hợp tác. Thông thường, việc phân chia hoa lợi, lợi tức dựa trên số lượng tài sản đóng góp và công sức bỏ ra của mỗi thành viên. Việc hưởng hoa lợi, lợi tức có thể được nhận trực tiếp bằng hiện vật hoặc được chia bằng tiền.
     
    (2). Về quyền tham gia quyết định liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác: Thực hiện hợp đồng hợp tác là một quá trình do chính các thành viên hợp tác tự mình thực hiện hoặc giao cho người thứ ba thực hiện. Do đó, quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác có thể phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi các thành viên hợp tác phải trực tiếp tham gia quyết định hoặc giám sát để kịp thời đưa ra quyết định. Việc tham gia quyết định hoặc giám sát hoạt động hợp tác là một quyền cơ bản của thành viên hợp tác nhằm bảo vệ quyền lợi của chính chủ thể này, đặc biệt nhằm bảo toàn khối tài sản chung của các thành viên hợp tác.
     
    (3). Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác do lỗi của mình gây ra: Khi tham gia hợp đồng hợp tác, thành viên hợp tác có thể gây thiệt hại cho các thành viên khác bằng hành vi có lỗi của mình. Do đó, thành viên hợp tác nào gây thiệt hại cho các thành viên còn lại đều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá trị thiệt hại và mức độ lỗi của mình.
     
    (4). Về nghĩa vụ thực hiện các quyền, nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng hợp tác: Các thành viên phải tuân thủ đầy đủ các quyền, nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng hợp tác đã được giao kết.
    Thứ tư, về chấm dứt hợp đồng hợp tác
     
    Hợp đồng hợp tác là một hợp đồng dân sự cho nên chấm dứt hợp đồng hợp tác cũng tuân thủ theo quy định chung về chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng hợp tác có đặc thù riêng liên quan đến mục đích xác lập hợp đồng nên chấm dứt hợp đồng hợp tác có các căn cứ riêng sau (Điều 512 BLDS năm 2015):
     
    (1). Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác: Khi hợp đồng hợp tác đang tồn tại, nhưng do công việc hợp tác không đạt được hiệu quả như mong muốn ban đầu tham gia hợp đồng hợp tác hoặc vì những lý do khác mà các thành viên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác.
     
    (2). Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác: Các thành viên của nhóm hợp tác có thể thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác thời hạn hợp tác cùng làm một công việc, khi hết thời hạn đó thì hợp đồng hợp tác chấm dứt.
     
    (3). Mục đích hợp tác đã đạt được: Khi tham gia hợp đồng hợp tác, các thành viên xác định mục đích của việc xác lập hợp đồng hợp tác, nếu mục đích đó đã đạt được thì hợp đồng hợp tác không còn cần thiết đối với các thành viên nữa, cho nên hợp đồng hợp tác chấm dứt.
     
    (4). Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Trường hợp nhóm hợp tác hoạt động không đúng mục đích xác lập hợp đồng mà xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định giải thể nhóm hợp tác đó.
     
    (4). Trường hợp khác theo quy định của bộ luật này, luật khác có liên quan: Đây là một quy định mở, dự liệu các trường hợp khác chấm dứt hợp đồng hợp tác. Khi hợp đồng hợp tác chấm dứt, các nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán từ khối tài sản chung của các thành viên hợp tác. Trường hợp tài sản chung không đủ để thực hiện việc thanh toán thì các thành viên hợp tác phải sử dụng tài sản riêng và tuân theo quy định tại Điều 509 BLDS năm 2015; Trường hợp sau khi thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản mà tài sản chung vẫn còn thì phần tài sản này sẽ được chia cho các thành viên hợp tác tương ứng với tỷ lệ đóng góp của mỗi thành viên, trừ trường hợp các chủ thể này có thỏa thuận khác.
     
    Đề xuất hoàn thiện pháp luật về hợp đồng hợp tác
     
    Nghiên cứu về quy định tại Điều 505 BLDS năm 2015, ta thấy có những nội dung cần hoàn thiện, đó là:
     
    Thứ nhất, về nội dung của hợp đồng hợp tác
     
    (1). Nội dung tại khoản 2 Điều 505 BLDS năm 2015 quy định về “Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân”. Về bản chất đây là yếu tố nhằm định danh các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng chứ không phải là điều khoản do các bên thỏa thuận. Do vậy, nội dung này nên loại bỏ khỏi quy định tại Điều 505 BLDS năm 2015.
     
    (2). Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 505 BLDS năm 2015 nói về tài sản đóng góp và đóng góp bằng sức lao động. Nếu như các bên có thỏa thuận về việc đóng góp thì việc đóng góp này trở thành nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 505 BLDS năm 2015 đề cập đến nghĩa vụ của các thành viên hợp tác trong đó đã bao hàm những nội dung của khoản 3 và khoản 4 Điều 505 BLDS năm 2015. Hơn nữa, tại khoản 6 Điều 505 BLDS năm 2015 nói về quyền và nghĩa vụ của các thành viên, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của người đại diện, nên tại khoản 7 Điều 505 BLDS năm 2015 quy định riêng về vấn đề này là điều không cần thiết.
     
    (3). Tại khoản 8 Điều 505 BLDS năm 2015 quy định về điều kiện tham gia hợp đồng hợp tác là không hợp lý. Bởi lẽ, điều kiện để một chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác là do pháp luật quy định chứ không phải là do các bên thỏa thuận. Do vậy, nội dung của khoản 8 Điều 505 BLDS năm 2015 nên loại bỏ “điều kiện tham gia”, tức là chỉ còn “điều kiện rút khỏi” mà thôi.
     
    Thứ hai, về tài sản chung của các thành viên hợp tác
     
     (1). Khoản 1 Điều 506 BLDS năm 2015 chỉ quy định về việc trả lãi và bồi thường thiệt hại đối với thành viên có nghĩa vụ góp tiền là không phù hợp. Bởi sự chậm trễ trong việc đóng góp của bất cứ thành viên nào với bất cứ hình thức đóng góp nào cũng có thể gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác. Do đó, nếu quy định chỉ thành viên góp tiền chịu lãi đối với số tiền chậm đóng góp là không phù hợp. Do đó, đoạn 2 khoản 1 Điều 506 BLDS năm 2015 cần phải được sửa đổi theo hướng là bất cứ thành viên nào chậm thực hiện việc đóng góp tài sản cũng phải chịu trách nhiệm trả lãi đối với tài sản chậm đóng góp và phải bồi thường thiệt hại, với những tài sản không phải là tiền thì quy đổi ra tiền để tính lãi.
     
    Bên cạnh đó, cũng tại khoản 1 Điều 506 BLDS còn quy định người chậm đóng góp ngoài việc chịu lãi còn phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, tác giả cho rằng không phải trường hợp nào cũng xảy ra thiệt hại từ việc chậm đóng góp. Vì mục đích của việc bồi thường thiệt hại là khắc phục hậu quả do mình gây ra. Do đó, để đảm bảo sự hợp lý trong quy định này, cần thêm hai từ “nếu có” vào sau cụm từ “bồi thường thiệt hại”.
     
    (2). Tại khoản 2 Điều 506 quy định: “… việc định đoạt các tài sản khác không phải tư liệu sản xuất sẽ do đại diện của các thành viên quyết định nếu không có thỏa thuận gì khác”. Chúng ta thấy rằng quy định này dường như không phù hợp. Bởi vì, tư cách của người đại diện trong hợp đồng hợp tác trong BLDS năm 2015 không giống tư cách đại diện của tổ trưởng tổ hợp tác trong BLDS năm 2005. Người đại diện trong hợp đồng hợp tác theo quy định của BLDS năm 2015 chỉ có thể là đại diện theo ủy quyền của các thành viên hợp tác khác. Nếu các thành viên không có thỏa thuận thì cũng đồng nghĩa với việc họ không ủy quyền cho người đại diện định đoạt các tài sản không phải là tư liệu sản xuất. Do vậy, việc quy định như trên có thể dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên hợp tác khác.
     
    (3). Khoản 3 Điều 506 BLDS năm 2015 quy định: “Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận”. Nhưng tại khoản 2 Điều 510 BLDS năm 2015 quy định: “Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được phân chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trường hợp phải phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia”. Như vậy, kể cả không có thỏa thuận thì tài sản chung vẫn được chia trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác. Do đó, để có sự phù hợp với khoản 2 Điều 510 BLDS năm 2015 thì khoản 3 Điều 506 BLDS năm 2015 cần phải bổ sung thêm cụm từ “hoặc luật có quy định khác” vào sau cụm từ “…. các thành viên hợp tác có thỏa thuận”.
     
    Thứ ba, về quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác
     
    (1). Khoản 1 Điều 507 BLDS năm 2015 quy định: “Được hưởng hoa lợi, lợi tức từ hoạt động hợp tác”. Thông thường hoa lợi, lợi tức chỉ phát sinh tự nhiên hoặc thông qua việc khai thác công dụng của tài sản. Tuy nhiên, trong hợp đồng hợp tác, các bên không chỉ đóng góp tài sản mà có thể đóng góp bằng công sức thì việc hưởng hoa lợi, lợi tức sẽ không đặt ra. Trong trường hợp này họ chỉ có thể phân chia lợi nhuận. Do vậy, khoản 1 Điều 507 BLDS năm 2015 cần bổ sung cụm từ “hoặc lợi nhuận” vào trước hai từ “lợi tức” sẽ phù hợp hơn.
     
    (2). Khoản 3 Điều 507 BLDS năm 2015 quy định: “Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra”. Thông thường, bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có sự vi phạm nghĩa vụ xảy ra, nên việc liệt kê trách bồi thường vào trong các nghĩa vụ của thành viên hợp tác là không hợp lý.
     
    Thứ tư, về chấm dứt hợp đồng hợp tác
     
    (1). Điểm d khoản 1 Điều 512 BLDS năm 2015 quy định hợp đồng hợp tác chấm dứt “theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Quy định này tác giả cho rằng không hợp lý bởi vì về bản chất, thì bản chất của hợp đồng là sự “thỏa thuận” của các bên chủ thể “về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ”. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác cũng chỉ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các thành viên hợp tác. Do vậy, việc quy định như trên sẽ không đảm bảo nguyên tắc tự do, thể hiện sự can thiệp sâu của cơ quan nhà nước vào quan hệ dân sự giữa các chủ thể khi giao kết hợp đồng.
     
    (2). Trong trường hợp hợp đồng hợp tác được giao kết bởi hai chủ thể, hoặc từ ba chủ thể trở lên nhưng hầu hết chủ thể đều xin rút khỏi hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 510 BLDS năm 2015, dẫn đến chỉ còn một chủ thể thì khi đó hợp đồng hợp tác đương nhiên chấm dứt. Do đó, cần bổ sung đây là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng hợp tác vào khoản 1 Điều 512 BLDS năm 2015.
    Kết luận, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết nhằm đưa hợp đồng hợp tác ngang tầm với các hợp đồng khác trong mối tương quan giữa các hợp đồng thông dụng của BLDS.
     
    ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải -  Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình
    Theo Bộ Tư Pháp
     
    10615 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn HuyenVuLS vì bài viết hữu ích
    QUANLYANH (21/09/2019) ThanhLongLS (06/09/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận