Khi đóng mở phòng chấm bài thi THPT quốc gia phải có sự chứng kiến của công an đúng không? Bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia có phải được chấm 02 lần hay không?
Khi đóng mở phòng chấm bài thi THPT quốc gia phải có sự chứng kiến của công an đúng không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 24 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT về khu vực chấm thi:
Theo đó, khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải có sự chứng kiến của lãnh đạo Ban Chấm thi, thư ký, công an và ghi nhật ký đầy đủ.
Hay nói cách khác, khi đóng mở phòng chấm bài thi THPT quốc gia phải có sự chứng kiến của công an và ghi nhật ký đầy đủ.
Ngoài ra, Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa, lãnh đạo Ban Chấm thi và công an.
Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi do lãnh đạo các Ban Chấm thi giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi tự luận do thư ký Hội đồng thi làm nhiệm vụ tại Ban Chấm thi tự luận giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi trắc nghiệm do Tổ trưởng Tổ thư ký Ban Chấm thi trắc nghiệm giữ.
Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận, nơi thực hiện nhiệm vụ của Ban Thư ký Hội đồng thi và Tổ Thư ký Ban Chấm thi trắc nghiệm tại khu vực chấm thi phải:
+ Có các thiết bị phòng chống cháy, nổ;
+ Có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày;
+ Có công an bảo vệ, giám sát liên tục 24 giờ/ngày.
Lưu ý: theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT thì:
Tuyệt đối không được mang các phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của các Ban Chấm thi khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.
Bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia có phải được chấm 02 lần hay không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về ngày thi, lịch thi, nội dung thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi/môn thi thì:
Bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia thi theo hình thức tự luận (hay còn gọi là bài thi tự luận).
Đối chiếu với khoản 1 Điều 27 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT về quy định chung về chấm bài thi tự luận, cụ thể như sau:
(1) Chấm thi theo hướng dẫn chấm thi, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT; bài thi được chấm theo thang điểm 10 (mười); điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 (hai) chữ số thập phân; mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi (CBChT) của hai Tổ Chấm thi khác nhau;
(2) Ban Thư ký Hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho Trưởng môn chấm thi;
(3) Trưởng môn chấm thi tổ chức quán triệt Quy chế thi, thảo luận đáp án, hướng dẫn chấm cho toàn bộ Tổ trưởng Tổ chấm thi, CBChT và tổ chức chấm chung ít nhất 10 (mười) bài thi tự luận; sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại các phòng chấm thi riêng biệt.
Riêng đối với những Hội đồng thi có từ 30.000 (ba mươi nghìn) thí sinh trở lên, Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ Chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền triển khai tổ chức chấm chung theo từng Tổ chấm thi hoặc nhóm Tổ chấm thi;
(4) Việc giao túi bài thi cho CBChT được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu.
Như vậy, mỗi bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai Tổ Chấm thi khác nhau.
Tóm lại, khi đóng mở phòng chấm bài thi THPT quốc gia phải có sự chứng kiến của công an và ghi nhật ký đầy đủ.
Ngoài ra, còn phải có sự chứng kiến của các đối tượng sau lãnh đạo Ban Chấm thi, thư ký.