Doanh nghiệp bắt NLĐ đi làm mùa dịch, ai phải đóng phạt? - Minh họa
Bạn đọc gửi câu hỏi về DanLuat như sau: Công ty vẫn bắt tôi phải đi làm trong mùa dịch, nếu tôi bị các anh cảnh sát ở chốt chặn phạt tiền thì tôi phải là người đóng tiền phạt hay doanh nghiệp phải đóng tiền phạt? Nếu tôi phải đóng thì có được yêu cầu Doanh nghiệp trả tiền lại cho mình không?
Trả lời:
Về vấn đề này, cần phân tích 2 trường hợp có thể xảy ra:
(1) Hoạt động của doanh nghiệp không nằm trong danh sách các lĩnh vực phải ngừng hoạt động
(2) Hoạt động của doanh nghiệp nằm trong danh sách các lĩnh vực phải ngừng hoạt động.-
- Ở trường hợp (1), chúng tôi đã có bài viết phân tích về “giấy thông hành” trong giai đoạn cao điểm chống dịch và các vấn đề liên quan để chứng minh lý do ra đường của bạn là chính đáng, bạn có thể tham khảo tại bài viết:
>>> TP.HCM: Không có quy định bắt người dân phải trình "Giấy thông hành" có xác nhận của công ty thì mới được qua chốt chặn!
Trong những trường hợp này, mặc dù không có quy đinh bắt buộc, nhưng để chắc chắn không bị xử phạt khi đến công ty làm việc, bạn hãy yêu cầu công ty cấp giấy xác nhận để thuận tiện trong việc di chuyển.
Trường hợp không có loại giấy tờ này và không thể thuyết phục được với các đồng chí làm nhiệm vụ kiểm soát dịch thì việc đóng phạt chắc chắn sẽ xảy ra, tuy nhiên tiếc là hình thức xử phạt này áp dụng đối với cá nhân bạn. Doanh nghiệp sẽ không phải đứng ra chịu trách nhiệm thay hoặc có nghĩa vụ bắt buộc phải chi trả khoản đóng phạt.
- Ở trường hợp (2) cần hiểu rõ rằng về bản chất thì công ty không hoạt động trong các lĩnh vực được tiếp tục hoạt động nên bắt buộc phải có phương án làm việc từ xa hoặc tạm ngưng làm việc. Nếu người đứng đầu công ty vẫn tiếp tục yêu cầu NLĐ tiếp tục đi làm tại cơ sở lao động – hành vi này đã vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.”
Đây là hình thức xử phạt đối với người đứng đầu các cơ sở kinh doanh, nếu đối tượng vi phạm là tổ chức có tư cách pháp nhân thì mức phạt tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, riêng đối với NLĐ, nếu vẫn chấp hành yêu cầu của doanh nghiệp và tiếp tục đến làm việc thì hành vi này bị xử phạt theo một quy định khác, tính chất của hình phạt áp dụng với cá nhân người vi phạm vì đây không được xem là lý do chính đáng để ra đường làm việc, cụ thể quy định này nằm ở Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117.
Trong những trường hợp này, NLĐ vẫn phải đóng phạt, nhưng có thể làm đơn khiếu nại lên công ty để khiếu nại và yêu cầu bồi thường thiệt hại (vì có hành vi trái pháp luật dẫn đến hậu quả là thiệt hại về vật chất).