Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự? GDDS vô hiệu và hậu quả pháp ký khi GDDS vô hiệu?

Chủ đề   RSS   
  • #614998 08/08/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1438)
    Số điểm: 12066
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 209 lần


    Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự? GDDS vô hiệu và hậu quả pháp ký khi GDDS vô hiệu?

    Giao dịch dân sự là gì? Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự? Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu?

    Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự?

    Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 thì Giao dịch dân sự (“GDDS”) là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

    Trong đó, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung như sau:

    - Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

    +) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.

    +) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Sư tự nguyện ở đây được hiểu là sự tự do định đoạt ý chí, không bị ép buộc, dọa nạt, lừa dối và không bị người khác áp đặt ý chí.

    +) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Mục đích của giao dịch dân sự được xác định là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó (Điều 118 Bộ luật Dân sự 2015). Trong đó, điều cấm của luật được hiểu là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định; Đạo đức xã hội được hiểu là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

    - Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Về nguyên tắc, giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó (theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015).

    Bên cạnh đó, Điều 120 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về giao dịch dân sự có điều kiện như sau:

    - Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.

    - Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.

    Giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu?

    Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 thì Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật Dân sự 2015 (như đã phân tích cụ thể bên trên) thì sẽ được xác định là giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp pháp luật có đưa ra quy định khác.

    Lưu ý, Giao dịch dân sự cũng có thể vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch (Theo quy định tại Điều 130 Bộ luật Dân sự 2015).

    Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được hướng dẫn giải quyết tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung như sau:

    - Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

    - Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

    Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

    - Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

    - Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

    - Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định.

     
    25 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận