Đề xuất các nguyên tắc và nội dung đánh giá nhà giáo

Chủ đề   RSS   
  • #614103 16/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 10

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (867)
    Số điểm: 13788
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 287 lần


    Đề xuất các nguyên tắc và nội dung đánh giá nhà giáo

    Theo Dự thảo Luật nhà giáo, mục đích của việc đánh giá nhà giáo là để làm căn cứ cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo và xem xét các chính sách khác dành cho nhà giáo

    >>> Bài viết dựa trên Dự thảo Luật Nhà giáo lần 2 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/16/du-thao-luat-nha-giao.docx

    (1) Nhà giáo là ai?

    Theo đề xuất tại Điều 3 Dự thảo Luật nhà giáo, nhà giáo là những đối tượng sau đây:

    - Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Giáo dục) và đạt chuẩn nhà giáo theo quy định.

    - Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên.

    - Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ cao đẳng trở lên và nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọi là giảng viên. 

    Như vậy, theo đề xuất trên, nhà giáo là những người đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục với chức danh như giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục và phải đạt chuẩn nhà giáo theo quy định của pháp luật.

    (2) Mục đích của việc đánh giá nhà giáo là gì?

    Trong Dự thảo Luật Nhà giáo có đề xuất một điểm nổi bật đó là việc cấp Chứng chỉ hành nghề nhà giáo. 

    Theo đó, các giáo viên đã làm việc trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực thì sẽ được cấp chứng chỉ mà không phải thi sát hạch. Ngược lại, đối với các giáo viên được tuyển dụng sau ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực thì phải trải qua kỳ thi sát hạch và sẽ được cấp chứng chỉ khi đạt yêu cầu.

    Do đó, mục đích của việc đánh giá nhà giáo là để làm căn cứ cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

    Ngoài ra việc đánh giá nhà giáo còn để làm căn cứ để thực hiện các việc như: ký hợp đồng, bổ nhiệm chức danh, thay đổi chức danh, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận, công nhận lại, không công nhận, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ giảng dạy, xét nâng lương và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với nhà giáo

    (theo đề xuất tại Điều 34 Dự thảo Luật nhà giáo).

    >>> Bài viết dựa trên Dự thảo Luật Nhà giáo lần 2 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/16/du-thao-luat-nha-giao.docx

    (3) Các nội dung, tiêu chí để đánh giá nhà giáo

    Liên quan đến vấn đề nội dung, tiêu chí để đánh giá nhà giáo, Điều 36 Dự thảo Luật nhà giáo đề xuất nội dung để đánh giá nhà giáo không giữ chức vụ quản lý bao gồm:

    - Tiêu chuẩn quy định tại chuẩn nhà giáo

    - Kết quả thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục theo từng cấp học hoặc trình độ đào tạo

    - Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác được giao

    - Các kết quả đánh giá khác theo yêu cầu cụ thể của công tác quản lý nhà giáo

    - Điểm mạnh, điểm còn hạn chế và định hướng phát triển hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo

    Theo đó, việc đánh giá nhà giáo sẽ được thực hiện định kỳ hằng năm theo năm học hoặc thực hiện tại thời điểm bất kỳ để phục vụ công tác quản lý nhà giáo theo quy định.

    (4) Nguyên tắc khi đánh giá nhà giáo

    Theo đề xuất tại Điều 35 Dự thảo Luật nhà giáo, nguyên tắc khi đánh giá nhà giáo được quy định như sau:

    - Đánh giá nhà giáo phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, dân chủ, công bằng, công khai; kịp thời khuyến khích, động viên nhà giáo thăng tiến, phát triển trong hoạt động nghề nghiệp

    - Việc đánh giá phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo, quá trình nhà giáo rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực nghề nghiệp gắn với các tiêu chí nghề nghiệp theo chuẩn nhà giáo

    - Việc đánh giá cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ sở giáo dục, quá trình cán bộ quản lý cơ sở giáo dục rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực gắn với các tiêu chí theo chuẩn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục

    - Nghiêm cấm sử dụng việc đánh giá nhà giáo để thực hiện các hành vi trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo

    Đề xuất này cho thấy pháp luật mong muốn việc đánh giá nhà giáo trên tinh thần khách quan, toàn diện và dân chủ để công nhận những đóng góp của nhà giáo trong năm học cũng như nhìn nhận lại những thiếu sót để sửa chữa, thay đổi trong năm học sau.

    Dự thảo Luật nhà giáo cũng nêu rõ, nghiêm cấm các hành vi sử dụng việc đánh giá nhà giáo để trù dập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo.

    Theo đó, dựa vào kết quả của việc đánh giá định kỳ hằng năm theo năm học, nhà giáo được xếp thành 04 loại như sau:

    - Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

    - Hoàn thành tốt nhiệm vụ

    - Hoàn thành nhiệm vụ

    - Không hoàn thành nhiệm vụ

    Khi đánh giá, xếp loại nhà giáo thì phải thông báo cho nhà giáo biết, đồng thời kết quả xếp loại phải được công khai trong cơ sở giáo dục mà nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy. Nếu không nhất trí với kết quả đánh giá và xếp loại thì nhà giáo được quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại.

    Trên đây là một số quy định liên quan đến việc đánh giá, xếp loại nhà giáo được đề xuất tại Dự thảo Luật nhà giáo lần 2 của Bộ GD&ĐT soạn thảo.

    >>> Bài viết dựa trên Dự thảo Luật Nhà giáo lần 2 https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/07/16/du-thao-luat-nha-giao.docx

     
    63 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận