Đăng tin tuyển dụng có yêu cầu giới tính, độ tuổi có vi phạm không?

Chủ đề   RSS   
  • #614636 30/07/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 498 lần
    SMod

    Đăng tin tuyển dụng có yêu cầu giới tính, độ tuổi có vi phạm không?

    Người sử dụng lao động đăng tin tuyển dụng để yêu cầu giới tính và độ tuổi có vi phạm của luật lao động về phân biệt đối xử không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

    Đăng tin tuyển dụng có yêu cầu giới tính, độ tuổi có vi phạm không?

    Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động thì trong đó có phân biệt đối xử trong lao động.

    Mà theo khoản 8 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 quy định:

    - Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.

    - Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.

    Như vậy, trường hợp thông thường nếu phân biệt giới tính, độ tuổi của người lao động thì được xem là phân biệt đối xử trong lao động. Tuy nhiên, trường hợp yêu cầu giới tính, độ tuổi là vì đặc thù công việc hay để bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương thì không phải là phân biệt đối xử và không vi phạm pháp luật.

    Chỉ tuyển nhân viên part-time thì có được yêu cầu giới tính, độ tuổi không?

    Theo Điều 32 Bộ luật lao động 2019 quy định về làm việc không trọn thời gian như sau:

    - Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

    - Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.

    - Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

    Như vậy, nhân viên part-time cũng có quyền không bị phân biệt đối xử. Theo đó, dù người sử dụng lao động chỉ tuyển nhân viên part-time thì cũng không được yêu cầu giới tính, độ tuổi, ngoài trừ vì tính chất công việc hay để bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương theo khoản 8 Điều 3 Bộ luật lao động 2019.

    Khi bị phân biệt giới tính, độ tuổi thì người lao động phải báo cáo cho ai?

    Theo điểm c khoản 2 Điều 179 Bộ luật lao động 2019 quy định tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:

    - Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;

    - Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;

    - Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.

    Đồng thời, theo Điều 191 Bộ luật lao động 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền như sau:

    - Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

    + Hòa giải viên lao động;

    + Hội đồng trọng tài lao động;

    + Tòa án nhân dân.

    - Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

    Như vậy, khi người lao động bị phân biệt đối xử thì đây là tranh chấp lao động tập thể và người lao động sẽ báo cáo lên các cơ quan theo thứ tự sau đây: Hoà giải viên lao động => Hội đồng trọng tài lao động/Toà án.

     
    229 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (17/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận