Câu tục ngữ "Có ơn phải sợ, có nợ phải trả" có nghĩa là gì? Theo Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp thỏa thuận vay có lãi mà đến hạn bên vay không trả thì bên vay phải có nghĩa vụ trả lãi thêm bao nhiêu?
Có ơn phải sợ, có nợ phải trả có nghĩa là gì?
"Có ơn phải sợ, có nợ phải trả" là một câu tục ngữ mang giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lý làm người, đề cao sự biết ơn và trách nhiệm trả ơn.
"Có ơn phải sợ, có nợ phải trả" có thể hiểu nghĩa là khi ta nhận được sự giúp đỡ, tấm lòng từ người khác thì cần phải biết trân trọng nó, biết ơn và tìm cách đáp đền lại.
Câu tục ngữ "Có ơn phải sợ, có nợ phải trả" là lời nhắc nhở mỗi người cần sống có trách nhiệm với những gì mình đã nhận được từ người khác kể cả là vật chất hay là tinh thần. Khi mắc nợ ai, chúng ta cần cố gắng thu xếp mà trả, trả đúng hẹn để giữ gìn uy tín và lòng tin của người khác.
Việc trả ơn không chỉ thể hiện sự trung thực, uy tín mà còn góp phần củng cố lòng tin, sự tin tưởng của người khác dành cho ta. Việc tránh né, trốn tránh trách nhiệm trả ơn sẽ khiến ta đánh mất uy tín và danh dự của bản thân.
Vận dụng câu nói trên vào quy định của pháp luật thì khi vay tài sản bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ và thanh toán lãi trong trường hợp không trả hoặc trả không đúng hẹn. Cụ thể như sau:
Khi vay có lãi mà đến hạn không trả thì phải trả lãi bao nhiêu?
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015;
+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất như sau:
....
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, khi vay có lãi mà đến hạn bên vay không trả thì phải trả lãi như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
Trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất trong trường hợp các bên có thỏa thuận, nếu không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn (20%/năm).
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Từ những nội dung được nêu trên, câu tục ngữ “Có ơn phải sợ, có nợ phải trả" là lời răn dạy về đạo lý làm người, sống có trách nhiệm với những gì mình đã nhận được, khi vay tiền thì có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đầy đủ và đúng hẹn nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, góp phần tạo nên xã hội văn minh.