Chồng không chia tài sản cho vợ con trong di chúc: Có được hưởng thừa kế?

Chủ đề   RSS   
  • #612185 31/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Chồng không chia tài sản cho vợ con trong di chúc: Có được hưởng thừa kế?

    Pháp luật sẽ can thiệp thế nào khi chồng viết di chúc để lại hết tài sản cho cha mẹ đẻ, không chia tài sản cho vợ con? Vợ, con được hưởng thừa kế trong trường hợp này không?

    (1) Chồng để lại di chúc không chia tài sản cho vợ con có hợp pháp không không?

    Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo quy định tại Điều 626 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về quyền của người lập di chúc như sau:

    Người lập di chúc có quyền sau đây:

    - Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

    - Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

    - Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

    - Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

    - Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015 thì di chúc sẽ hợp pháp khi:

    - Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép

    - Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

    - Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng, hai người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ sau khi người để lại di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng.

    Như vậy, khi lập di chúc, người lập di chúc hoàn toàn được quyền chỉ định ai là người thừa kế, mỗi người thừa kế được hưởng bao nhiêu, không cho người nào hưởng thừa kế. 

    Do đó, khi người chồng lập di chúc mà đáp ứng đủ các điều kiện để di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015 thì di chúc đó hợp pháp, dù nội dung của di chúc không chia tài sản cho vợ con.

    (2) Vợ con có được thừa kế khi chồng không chia tài sản trong di chúc?

    Về pháp lý, di chúc của người chồng không để lại tài sản cho vợ con là không trái pháp luật, tuy nhiên di chúc này vẫn còn chưa thỏa mãn được cái tình.

    Người xưa có câu “của chồng công vợ”, hay câu “đạo vợ, nghĩa chồng” để đề cao đạo đức, trách nhiệm của vợ chồng trong gia đình. Người vợ cần có đạo đức, biết giữ gìn hạnh phúc gia đình, còn người chồng cần có nghĩa vụ lo toan, che chở cho vợ con.

    Do đó, tại Điều 644 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

    1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

    a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

    b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

    Như vậy, vợ và con trong trường hợp không được chồng cho hưởng di sản trong di chúc hoặc cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật thì Bộ Luật Dân sự 2015 vẫn cho phép người vợ và các con được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

    (3) Chia di sản như thế nào khi chồng không nhắc đến vợ con trong di chúc?

    Theo quy định trên, vợ và con chưa thành niên là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nên sẽ được hưởng hai phần ba của suất một người thừa kế theo pháp luật.

    Như vậy, trước tiên ta phải tính được suất của một người thừa kế theo pháp luật.

    Theo Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015, người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:

    - Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    - Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    - Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    - Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau

    - Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Theo quy định trên, di sản thừa kế của người chồng sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất trước, nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai hưởng thừa kế thì mới chia tiếp đến những hàng sau.

    Do đó, nếu cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con nuôi, vợ và con đẻ của người chồng còn sống thì suất của một người thừa kế theo pháp luật được tính như sau: 

    Suất của một người thừa kế theo pháp luật = Di sản của người chồng / số người trong hàng thừa kế thứ nhất

    Cần lưu ý, nếu có người trong hàng thừa kế thứ nhất từ chối nhận di sản thì sẽ không tính vào số người trong hàng thừa kế thứ nhất.

    Tiếp theo đó, phần di sản mà vợ và các con của người chồng được hưởng sẽ được tính như sau:

    Di sản thừa kế của vợ con = ⅔ x Suất của một người thừa kế theo pháp luật

    Vợ và các con mỗi người sẽ được nhận một phần di sản bằng nhau với số tiền bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

    Như vậy, khi người chồng không chia tài sản cho vợ con trong di chúc, vợ và con của người này vẫn được hưởng di sản thừa kế, và số tiền được hưởng sẽ bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

     
    5034 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận