Cho thuê bằng lái để nộp phạt nguội bị xử phạt như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610975 26/04/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26758
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 553 lần
    SMod

    Cho thuê bằng lái để nộp phạt nguội bị xử phạt như thế nào?

    Trước Tết Nguyên đán 2024, mạng xã hội và các diễn đàn ô tô liên tục lan truyền thông tin nhiều tài xế tìm cách đối phó phạt nguội bằng cách thuê bằng lái xe để đóng phạt. 

    Cụ thể, khi vi phạm luật giao thông đường bộ và bị CSGT gửi thông báo phạt nguội, nhiều tài xế đã lên mạng tìm hiểu để thuê người có bằng lái đi đóng phạt thay. Sau một thời gian yên ắng, các hội nhóm này đang có dấu hiệu hoạt động rầm rộ trở lại.

    Phạt nguội và phạt trực tiếp

    Thực chất, trong hệ thống văn bản pháp luật không có quy định cụ thể về “phạt nguội”. Tuy nhiên, có thể hiểu phạt nguội là một hình thức xử lý vi phạm giao thông sau một khoảng thời gian nhất định. Với hình thức phạt này, chủ các phương tiện vi phạm không bị xử lý ngay khi vi phạm mà hình ảnh đó sẽ được ghi lại bằng hệ thống camera lắp đặt trên đường phố và gửi về cho trung tâm xử lý.

    Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa phạt nguội và phạt trực tiếp. Bởi khi phạt trực tiếp, lực lượng chức năng có thể phát hiện ra ai là người điều khiển phương tiện khi phát hiện xử lý trực tiếp. 

    Còn phạt nguội thì theo Khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định về quy trình xử phạt đối với chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt được mô tả như sau:

    Trường hợp cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm hành chính thông qua việc sử dụng phương tiện hoặc thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà không thể dừng ngay phương tiện để xử lý, cơ quan đó sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện cùng cá nhân, tổ chức liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm. Chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. 

    - Trong trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc không giải trình được rằng mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, sẽ bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm đã được phát hiện. 

    - Nếu chủ phương tiện là tổ chức và không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, sẽ bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm đã được phát hiện, nhưng không vượt quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.

    Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy khi bị xử phạt nguội thì thông báo về số tiền phạt sẽ được gửi trước tiên đến chủ phương tiện. Theo đó, nhiều người đã lợi dụng kẽ hở nêu trên để gian dối về chủ phương tiện khi thực tế không cho thuê, không cho mượn, mà chính bản thân mình là người điều khiển phương tiện nhưng lại nói dối là người khác để không bị áp dụng biện pháp tước bằng xe theo quy định.

    Cho thuê bằng lái để nộp phạt nguội bị xử phạt như thế nào?

    Tính đến thời điểm hiện tại, chế tài xử lý hành vi cho thuê, mượn bằng lái xe vẫn chưa được quy định nên không có cơ chế xử lý. Tuy nhiên, mới đây nhất, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.

    Cụ thể, tại Khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định các trường hợp bị thu hồi Giấy phép lái xe bao gồm: 

    - Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe; 

    - Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; 

    - Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình; 

    - Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện; 

    - Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký; 

    - Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 10 Điều 5; Điểm h và Điểm i Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp bằng lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Nếu có nhu cầu cấp lại thì phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp bằng lái xe lần đầu. 

    Riêng đối với trường hợp bằng lái xe bị thu hồi vì lý do để người khác sử dụng thì sau 01 năm kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực, cá nhân nếu có nhu cầu cấp bằng lái thì phải đăng ký với Sở GTVT để sát hạch lại các nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

    Theo đó, trường hợp cá nhân có bằng lái xe mà để người khác thuê, mượn, sử dụng bằng lái xe của mình để đóng phạt nguội sẽ bị thu hồi bằng lái xe.

     
    1419 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận