Biện pháp ngăn chặn có bị hủy bỏ khi cơ quan điều tra đình chỉ điều tra?

Chủ đề   RSS   
  • #612039 28/05/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 10

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (867)
    Số điểm: 13788
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 287 lần


    Biện pháp ngăn chặn có bị hủy bỏ khi cơ quan điều tra đình chỉ điều tra?

    Khi đình chỉ điều tra, cơ quan điều tra sẽ ngưng lại việc điều tra vụ án, vậy khi đó những biện pháp ngăn chặn được áp dụng cho người bị điều tra có được hủy bỏ không?

    (1) Các trường hợp đình chỉ điều tra

    Đình chỉ điều tra là việc cơ quan điều tra quyết định ngừng việc điều tra vụ án, điều tra bị can của vụ án khi có các căn cứ pháp lý để xác định rằng vụ án không có dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không thể xác định người có hành vi phạm tội hoặc người phạm tội đã chết, người yêu cầu khởi tố rút đơn yêu cầu, hết thời hạn điều tra mà không đủ chứng cứ buộc tội,...

    Theo quy định tại Điều 230 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

    - Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự 2015;

    - Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

    Bên cạnh đó, Điều 443 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định các trường hợp mà cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra:

    - Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra. Trường hợp này việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

    - Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo là pháp nhân khi thuộc một trong các trường hợp:

    + Không có sự việc phạm tội;

    + Hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm;

    + Hành vi phạm tội của pháp nhân đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

    + Hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được pháp nhân thực hiện tội phạm;

    + Hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Như vậy, khi có các căn cứ pháp lý nêu trên thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với vụ án và bị can của vụ án.

    (2) Biện pháp ngăn chặn có bị hủy bỏ khi cơ quan điều tra đình chỉ điều tra không?

    Theo quy định tại Điều 109 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn như:

    - Giữ người trong trường hợp khẩn cấp

    - Bắt, tạm giữ, tạm giam

    - Bảo lĩnh

    - Đặt tiền để bảo đảm

    - Cấm đi khỏi nơi cư trú

    - Tạm hoãn xuất cảnh

    Vậy, trường hợp vụ án đã được cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra thì người đang bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn kể trên có được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn không?

    Theo khoản 2 Điều 33 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP có quy định về việc này như sau:

    "Khi ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can, Cơ quan điều tra phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), xử lý vật chứng, những vấn đề khác có liên quan và thực hiện việc thông báo, gửi cho Viện kiểm sát theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015; đối với biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế do Viện kiểm sát phê chuẩn, Cơ quan điều tra phải có văn bản thông báo để Viện kiểm sát quyết định việc hủy bỏ."

    Như vậy, khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can thì cơ quan điều tra phải hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người đang bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế để phục vụ quá trình điều tra. 

    Bên cạnh đó, nếu việc áp dụng biện pháp ngăn chặn do VKS phê chuẩn thì cơ quan điều tra phải gửi văn bản thông báo đình chỉ điều tra cho VKS để VKS ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

     
    260 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận