Bảo hiểm thân thể học sinh là gì? Học sinh có bắt buộc phải tham gia không?

Chủ đề   RSS   
  • #613756 05/07/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 105 lần


    Bảo hiểm thân thể học sinh là gì? Học sinh có bắt buộc phải tham gia không?

    Bảo hiểm thân thể học sinh là gì? Học sinh có bắt buộc phải tham gia không? Mức đóng bảo hiểm thân thể là bao nhiêu? Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết về loại bảo hiểm này.

    Trong bối cảnh ngày càng nhiều rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, việc bảo vệ sức khỏe và tài chính cho con em là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh.

    Chính vì vậy, phụ huynh luôn chú tâm đến việc mua các loại bảo hiểm để phòng ngừa những tình huống bất ngờ cho trẻ. Thế nhưng bảo hiểm thân thể học sinh là gì? 

    (1) Bảo hiểm thân thể học sinh là gì? Học sinh có bắt buộc phải tham gia không?

    Bảo hiểm thân thể học sinh là một loại hình bảo hiểm tự nguyện, được thiết kế riêng biệt nhằm bảo vệ sức khỏe, thân thể và tính mạng cho học sinh trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình học tập và sinh hoạt.

    + Khi tham gia bảo hiểm thân thể, học sinh sẽ được bảo hiểm chi trả các khoản tiền bồi thường khi gặp phải các sự cố như tai nạn, thương tật hoặc tử vong do tai nạn.

    Đối tượng tham gia loại bảo hiểm này bao gồm học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau như nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp nghề….

    Hiện nay, bảo hiểm thân thể học sinh là một loại hình bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc phải tham gia. Điều này có nghĩa là phụ huynh và học sinh có quyền tự quyết định có tham gia hay không dựa trên nhu cầu và điều kiện tài chính của gia đình

    - Lợi ích khi tham gia bảo hiểm thân thể:

    Khi gặp phải các rủi ro như tai nạn, bệnh tật, học sinh sẽ được công ty bảo hiểm chi trả các khoản bồi thường. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, đặc biệt là các chi phí y tế đắt đỏ. Tham khảo chi phí sẽ được chi trả khi tham gia bảo hiểm thân thể như sau:

    + Chi phí điều trị: Khi học sinh không may bị bệnh tật hoặc tai nạn ngoài ý muốn thì bảo hiểm thân thể sẽ chi trả một số loại chi phí điều trị bao gồm cấp cứu, phẫu thuật, điều trị, phụ cấp điều trị khi nằm viện…

    + Bồi thường thương tật: Trong trường hợp học sinh bị tai nạn dẫn đến thương tật (bao gồm thương tật tạm thời đang điều trị tại bệnh viện và thương tật vĩnh viễn) sẽ được nhận bồi thường.

    Tùy theo tỷ lệ chi trả có trong hợp đồng và gói bảo hiểm mà phụ huynh đã mua mà mức bồi thường sẽ khác nhau.

     

    (2) Cá nhân cố ý gây thiệt hại về sức khỏe để được hưởng bảo hiểm sẽ bị phạt như thế nào?

    Có không ít trường hợp, cá nhân tự gây hại đến sức khỏe hoặc cha mẹ thông đồng với trẻ để làm giả, cố ý yêu cầu bồi thường để có thể nhận được tiền bảo hiểm. Theo điểm d khoản 4 Điều 9 Luật Kinh Doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

    + Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.

    +Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

    + Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.

    + Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

    Như vậy, hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật như sau:

    Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 98/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm như sau:

    Phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi như sau:

    + Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.

    + Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.

    + Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

    + Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

    Bên cạnh việc bị phạt tiền, cá nhân vi phạm sẽ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14.

    Như vậy, trong trường hợp cá nhân tự gây thiệt hại về sức khỏe,hay cha mẹ thông đồng với trẻ để hưởng quyền bảo hiểm và yêu cầu giải quyết bồi thường sẽ thì bị phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng và sẽ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. 

    Đối với học sinh khi có hành vi gây hại bản thân thì áp dụng nguyên tắc xử lý được quy định tại Điều 134 Luật xử phạt hành chính năm 2012  được sửa đổi bởi khoản 68 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:

    - Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

    + Trường hợp người từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

    + Trường hợp người từ đủ 16 tuổi - dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật xử phạt hành chính năm 2012 thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

    + Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

    Tóm lại, bảo hiểm thân thể học sinh là một loại bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc phải tham gia. Học sinh, phụ huynh có thể mua loại bảo hiểm này để nhằm bảo vệ sức khỏe, thân thể và tính mạng cho học sinh trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình học tập và sinh hoạt. 

    Tuy nhiên, nếu cá nhân có những hành vi như tự gây thiệt hại về sức khỏe hoặc cha mẹ thông đồng với trẻ cố ý yêu cầu bồi thường thì sẽ bị xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả. 

     

     
    782 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lamtuyet9366 vì bài viết hữu ích
    admin (31/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận