Chào bạn, Luật sư Đỗ Viết Hải trả lời bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động và hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ thì việc tạm thời chuyển người lao động (NLĐ) làm việc khác trái nghề được quy định như sau:
Khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn đột xuất do khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước hoặc nhu cầu của sản xuất - kinh doanh thì NSDLĐ có quyền tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm. Trong thời gian này, nếu NLĐ không chấp hành quyết định của NSDLĐ thì có thể bị xử lý kỷ luật lao động và không được hưởng lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Lao động và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 84 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.
Trong trường hợp NSDLĐ tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác trái nghề quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm thì phải có sự thoả thuận của NLĐ; nếu NLĐ không chấp thuận mà họ phải ngừng việc thì người đó được hưởng lương theo quy định tại khoản 1 Điều 62 của Bộ luật Lao động.
Theo đó, việc điều chuyển NLĐ làm công việc khác tạm thời là quyền của NSDLĐ nhưng quyền điều chuyển này bị pháp luật giới hạn ở một số điểm sau:
- Không phải bất cứ lúc nào muốn là NSDLĐ có thể điều chuyển NLĐ làm việc khác trái nghề. Việc điều chuyển chỉ được tiến hành trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Khó khăn đột xuất được hiểu là doanh nghiệp gặp khó khăn do khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, do sự cố điện, nước.
- Trước khi quyết định điều chuyển NLĐ làm việc trái nghề, NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ ít nhất 3 ngày.
- NSDLĐ có thể tạm thời điều chuyển NLĐ làm công việc trái nghề nhiều lần, nhưng tổng cộng số ngày điều chuyển của các lần không quá 60 ngày cộng dồn trong một năm. Trường hợp tạm điều chuyển vượt quá 60 ngày thì phải được sự chấp thuận của NLĐ.
- Khi làm công việc khác theo sự điều chuyển của NSDLĐ thì NLĐ được hưởng theo lương của công việc mới với điều kiện mức lương này cao hơn hoặc bằng mức lương của công việc cũ. Nếu mức tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương cũ thì NLĐ được giữ nguyên lương trong thời hạn 30 ngày làm việc. Sau 30 ngày đó thì hưởng lương theo công việc mới nhưng tiền lương theo công việc mới phải ít nhất bằng 70% mức tiền lương cũ (nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu).
Về việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, Điều 12 Nghị định 44/2003 quy định:
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung được quy định như sau:
1. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục.
Mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động của đơn vị.
2. Lý do bất khả kháng khác là trường hợp do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên, do địch hoạ, do dịch bệnh không thể khắc phục được dẫn tới việc phải thay đổi, thu hẹp sản xuất kinh doanh.
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH SƯ SỰ THẬT
Chủ tịch Hội đồng thành viên
Luật sư ĐỖ VIẾT HẢI
ĐT: 0913233631 Email: Luatsuviethai@gmail.com
Website: www.luatsuthat.vn
Đ/c: số 12 ngõ 71, phố Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội.
ĐT: 04. 62753561 Fax: 04. 62753591