Đối tượng và điều kiện để được mua cổ phần khi đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa

Chủ đề   RSS   
  • #611371 10/05/2024

    lvkhngoc
    Top 200
    Lớp 2

    Vietnam
    Tham gia:10/07/2022
    Tổng số bài viết (406)
    Số điểm: 3509
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 73 lần


    Đối tượng và điều kiện để được mua cổ phần khi đơn vị sự nghiệp công lập cổ phần hóa

    Đơn vị tôi được chỉ đạo là sẽ tiến hành lộ trình chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Cho tôi hỏi điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là gì và đối tượng nào được mua cổ phần khi đơn vị tôi cổ phần hóa? 

    Điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

    Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 150/2020/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

    - Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.

    - Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

    - Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

    - Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

    Đối tượng và điều kiện mua cổ phần khi đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần 

    Tại Điều 6 Nghị định 150/2020/NĐ-CP quy định 3 nhóm đối tượng được mua cổ phần và điều kiện tương ứng như sau: 

    (1) Nhà đầu tư trong nước

    - Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam, thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam;

    - Nhà đầu tư trong nước được quyền mua cổ phần của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi với số lượng không hạn chế, trừ trường hợp thuộc đối tượng không được mua quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 150/2020/NĐ-CP.

    (2) Nhà đầu tư nước ngoài

    - Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam;

    - Nhà đầu tư nước ngoài được quyền mua cổ phần của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

    Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối.

    (3) Nhà đầu tư chiến lược

    - Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định 150/2020/NĐ-CP quyết định việc bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần.

    - Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có đủ các điều kiện sau:

    + Có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;

    + Có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 02 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế;

    + Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công của ĐVSNCL chuyển đổi;

    + Có cam kết bằng văn bản đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của ĐVSNCL chuyển đổi bao gồm các nội dung sau: Không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động; Có phương án hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển đổi từ ĐVSNCL nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; Các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký với mức bồi thường tổn thất theo thiệt hại thực tế và Nhà nước có quyền quyết định đối với toàn bộ số lượng cổ phần nhà đầu tư chiến lược đã mua.

    - Căn cứ vào quy mô vốn điều lệ, lĩnh vực hoạt động và yêu cầu mở rộng phát triển của đơn vị, cơ quan phê duyệt phương án chuyển đổi ĐVSNCL quyết định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược.

    - Trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tại ĐVSNCL phải đảm bảo việc đăng ký mua cổ phần của nhà đầu tư chiến lược được thực hiện trước thời điểm công bố thông tin bán cổ phần lần đầu ra công chúng.

    - Trường hợp nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi thường mọi tổn thất xảy ra theo đúng hợp đồng cam kết và quy định của pháp luật hiện hành.

    - Nhà đầu tư chiến lược phải đặt cọc, ký quỹ bằng tiền hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Mức đặt cọc, ký quỹ bằng 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm.

    Trường hợp từ bỏ quyền mua, nhà đầu tư chiến lược không được nhận lại tiền đặt cọc hoặc bị phạt số tiền tương đương khoản giá trị đặt cọc trong trường hợp ký quỹ, bảo lãnh.

    - Việc tổ chức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải hoàn thành trước thời điểm Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần.

    Số cổ phần còn lại (chênh lệch giữa số cổ phần thực tế bán cho nhà đầu tư chiến lược với tổng số cổ phần đăng ký mua của các nhà đầu tư chiến lược theo phương án chuyển đổi được duyệt), Ban Chỉ đạo báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 39 Nghị định 150/2020/NĐ-CP quyết định điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.

    Các tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi bao gồm

    - Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần (trừ các thành viên là đại diện của ĐVSNCL chuyển đổi);

    - Các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính và cơ quan kiểm toán xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các tổ chức bảo lãnh phát hành mua số cổ phần chưa phân phối hết theo hợp đồng bảo lãnh);

    - Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá;

    - Người có liên quan tổ chức và cá nhân quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này theo quy định tại Khoản 23 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020

    => Như vậy, ĐVSNCL được chuyển đổi thành CTCP khi đảm bảo các điều kiện trên và chuyển đổi qua 2 hình thức: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ hoặc bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc vừa kết hợp bán một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

    Nhà đầu tư trong nước; Nhà đầu tư nước ngoài và Nhà đầu tư chiến lược được liệt kê như trên được mua cổ phần của đơn vị khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.

     
    26 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận