Bài viết của Phạm Vũ Lửa Hạ
Bán đảo Triều Tiên đã trải qua sáu thập niên bất ổn kể từ khi cuộc chiến 1950-1953 giữa hai miền bắc và nam kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, thay vì một hiệp ước hòa bình trọn vẹn. Hôm thứ Hai 11/3, Bình Nhưỡng tuyên bố xé bỏ thỏa thuận ngừng bắn đó với lời cảnh báo viễn cảnh chiến tranh sắp cận kề. Đúng như lời đe dọa trước đó, động thái này nhằm để phản ứng lại Nghị quyết 2094 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 7/3 về việc cấm vận Bắc Hàn sau khi nước này thử hạt nhân vào ngày 12/2. Bắc Hàn phản bác rằng nghị quyết này một lần nữa cho thấy Hội đồng Bảo an bị lạm dụng để thực hiện những chính sách thù địch của Mỹ nhắm vào họ.
Kim Chính Ân kiểm tra một đơn vị pháo binh tầm xa tại một địa điểm không được tiết lộ. (Ảnh không đề ngày do Thông tấn xã trung ương Bắc Hàn cung cấp ngày 12/3/2013)
Quyết định đơn phương của Bắc Hàn được đưa ra khi quân đội ở hai bên Khu phi quân sự hóa rộng bốn cây số tiến hành những cuộc tập trận lớn. Cộng thêm vào tình hình căng thẳng đó là sự thiếu kinh nghiệm của lãnh tụ hai miền. Kim Chính Ân lên ngôi ở Bắc Hàn mới 14 tháng trước, và có thể cần chứng tỏ năng lực với giới quân sự. Tổng thống Nam Hàn Park Geun-Hye, con gái của nhà độc tài quân sự Park Chung-hee, chỉ vừa mới tuyên thệ nhậm chức cách đây hai tuần, và chưa có bộ trưởng quốc phòng hay cố vấn an ninh quốc gia được phê chuẩn.
Các cơ quan truyền thông nhà nước của Bắc Hàn ra sức tuyên truyền rằng tình hình căng thẳng là do những lệnh cấm vận quốc tế gần đây nhắm vào Bắc Hàn, cũng như cuộc tập trận phối hợp bắt đầu hôm 11/3 với sự tham gia của 13 ngàn lính Nam Hàn và Mỹ. Bình Nhưỡng cho rằng cuộc tập trận này thực ra là để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ đánh vào các lực lượng Bắc Hàn. Tuy hiếm có ai trong giới quan sát tin rằng Bắc Hàn sắp tấn công, nhưng mức độ căng thẳng đang ở mức cao nhất kể từ vụ Bắc Hàn gây hấn hồi năm 2010.
Video tuyên truyền mới đây của Bắc Hàn chiếu cảnh Tòa Bạch Ốc bị nổ tung.
Theo tờ Rodong Sinmun (Lao động tân văn), tờ báo chính thức của Đảng Công nhân Bắc Hàn, quân đội nước này đã ở tư thế sẵn sàng nhận lệnh tấn công. Trong vòng một tuần, Kim Chính Ân đã hai lần thăm tới thăm các đơn vị pháo binh tiền phương, cảnh báo “chiến tranh có thể nổ ra ngay bây giờ”, vừa dùng ống nhòm quan sát biên giới vừa kêu gọi bắn phá không thương tiếc vào các căn cứ hải quân của Nam Hàn. Một bài xã luận của thông tấn xã này đề cập tới những vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn, cáo buộc“Mỹ và bè lũ bù nhìn Nam Hàn xưa nay đã gây ra biết bao đau khổ cho nước ta”, đe dọa tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nhắm vào Mỹ và Nam Hàn. Bắc Hàn hung hăng tuyên bố “chúng sẽ bị thiêu rụi trong biển lửa ngay tức khắc” nếu chiến tranh bùng nổ.
Bình Nhưỡng cũng đã cắt đứt đường dây nóng giữa quân đội hai miền, và đường dây của Hồng Thập Tự được thiết lập trên Khu phi quân sự hóa sau Chiến tranh Triều Tiên để giúp giảm nhiệt cho những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Giới chức trách Nam Hàn nói họ đã hai lần cố gắng liên lạc với miền bắc qua đường dây nóng hôm 11/3 nhưng không có hồi đáp. Theo Bộ Quốc phòng Nam Hàn, chính quyền Bắc Hàn cũng áp dụng trò cũ tạo bầu không khí thời chiến từng dùng để kiểm soát dân chúng trong những lần căng thẳng quốc tế trước đây, ví dụ như bắt dân tản cư vào những đường hầm có dự trữ thực phẩm cho tình huống khẩn cấp và đặt ngụy trang quân sự trên xe buýt và xe tải.
Nghị quyết 2094 dựa trên những nghị quyết 1695, 1718, 1874, và 2087 trước đây để phản đối việc Bắc Hàn tăng cường năng lực tấn công bằng hạt nhân và hỏa tiễn. Mỗi nghị quyết đó đều đã được thông qua sau những lần Bắc Hàn phóng hỏa tiễn tầm xa hoặc thử vũ khí hạt nhân. Mục đích của những nghị quyết đó là cắt đứt những trao đổi công nghệ hạt nhân và hỏa tiễn giữa Bắc Hàn và thế giới bên ngoài và để báo hiệu quốc tế không chấp nhận những hoạt động hạt nhân của Bắc Hàn.
Nghị quyết mới nhất này đáng chú ý ở chỗ cho phép các quốc gia thực hiện một số biện pháp tài chính chống lại Bắc Hàn, trong đó có việc ngăn cản không cho nhà chức trách Bắc Hàn thực hiện những đợt thanh toán tiền mặt số lượng lớn cho các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn. Những biện pháp này bổ sung lời kêu gọi trong những nghị quyết trước yêu cầu các nước thành viên kiểm soát chặt chẽ hơn những chuyến hàng của Bắc Hàn bị nghi ngờ có liên quan tới các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn. Tất nhiên vẫn còn bỏ ngỏ câu hỏi liệu các nước thành viên, bao gồm Trung Quốc, có sẵn sàng thực thi những biện pháp mới này hay không, hay họ sẽ và “cố tình nhắm mắt làm ngơ” khiến những biện pháp này trở nên vô hiệu.
Phản ứng của Nam Hàn và Mỹ
Yun Byung-se, ngoại trưởng mới được bổ nhiệm của Nam Hàn, trong bài diễn văn đầu tiên vào hôm 11/3 đã mô tả tình hình trên bán đảo “rất nghiêm trọng”. Hôm thứ Ba 12/3, Cho Tae-young, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nam Hàn, nhắc rằng thỏa thuận ngừng bắn quy định chỉ có thể bị chấm dứt hay vô hiệu hóa khi có sự chấp thuận của các bên, và nói: “Chúng tôi yêu cầu Bắc Hàn rút lại những phát biểu đe dọa tới sự ổn định và hòa bình của Bán đảo Triều Tiên và khu vực”. Liên Hiệp Quốc (đã từng cử quân đồng minh chiến đấu cho Nam Hàn trong cuộc chiến 1950-1953) cũng khẳng định Bắc Hàn không thể đơn phương phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn năm 1953.
Thủy quân lục chiến Nam Hàn trên đảo Yeonpyeong. Bắc Hàn đã tấn công đảo này năm 2010, làm chết 4 người, và gần đây đe dọa “tiêu hủy” Seoul. (Yun Tae-Hyun/Yonhap)
Kim Min-seok, phát ngôn nhân của Bộ Quốc phòng Nam Hàn, nói không có dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn sắp thử hạt nhân hay hỏa tiễn, hoặc gây hấn dọc theo biên giới. Ông gọi những lời đe dọa chiến tranh của miền bắc là đòn tâm lý để củng cố quyền lãnh đọa của Kim Chính Ân trong nước và ép buộc Washington và Nam Hàn nhượng bộ, và tuyên bố: “Nếu họ tấn công khiêu khích, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh hơn và sẽ khiến họ hứng chịu thiệt hại nặng nề hơn”.
Để nhấn mạnh liên minh với Mỹ, văn phòng tổng thống Park Geun-hye tuyên bố bà dự kiến sẽ gặp tổng thống Obama ở Washington vào đầu tháng Năm trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của bà kể từ khi nhậm chức vào ngày 25/2. Jay Carney, phát ngôn nhân của Tòa Bạch Ốc, nói Mỹ đương nhiên quan ngại về những tuyên bố hiếu chiến của Bắc Hàn. Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, nói Bắc Hàn có thể chỉ lộng ngôn, nhưng Mỹ sẽ sử dụng hết tất cả những năng lực của mình để phòng vệ, và đáp trả những đe dọa đ���i với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Tuy các chuyên gia cho rằng Bắc Hàn phải mất nhiều năm nữa mới có khả năng đánh trúng Mỹ (phần đại lục) bằng vũ khí hạt nhân, nhưng chính phủ Mỹ nghĩ Bắc Hàn có thể có năng lực tấn công đó, nên vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng. Hôm thứ Sáu 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel công bố những kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ hỏa tiễn để đáp lại “những khiêu khích vô trách nhiệm và liều lĩnh”của Bắc Hàn. Ông cho biết Ngũ Giác Đài sẽ chi tiêu gần 1 tỉ Mỹ kim để tăng thêm 14 máy bay đánh chặn hỏa tiễn tại Fort Greely ở Alaska (coi như đảo ngược một chính sách trước đây của chính quyền Obama) và tiến hành triển khai hệ thống radar phòng thủ hỏa tiễn thứ hai ở Nhật. Ngũ Giác Đài còn để ngỏ khả năng thiết lập một vị trí phòng thủ ở Bờ Đông nước Mỹ với nhiều máy bay đánh chặn có khả năng bắn hạ hỏa tiễn.
Hôm thứ Bảy 16/3, Bắc Hàn lại có tuyên bố hung hăng sau khi Mỹ công bố kế hoạch phòng thủ. Nhà chức trách của nước cộng sản cô lập này khẳng định vũ khí hạt nhân không phải là con bài dùng để mặc cả. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói vũ khí hạt nhân của quốc gia này “là thượng phương bảo kiếm toàn năng dùng để bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước”, và những vũ khí đó “không thể được đem ra bàn luận chừng nào mối đe dọa hạt nhân và chính sách thù địch của Mỹ vẫn còn”. Cũng hôm 16/3, theo hãng tin Associated Press, Nam Hàn cho biết Bắc Hàn tiếp tục bắn thử hỏa tiễn tầm ngắn KN-02, dường như để đáp lại những cuộc tập trận chung của Nam Hàn và Mỹ.
Phản ứng của Trung Quốc
Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng ở vùng này vì Bắc Kinh đã can thiệp nhân danh Bắc Hàn trong cuộc chiến 1950-1953, và trong nhiều thập niên qua đã ủng hộ ngoại giao cho Bình Nhưỡng. Hãng tin Bloomberg dẫn lời Glyn Davies, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Bắc Hàn, nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng “cả địa lý lẫn lịch sử đã mang lại cho Trung Quốc một mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự độc nhất vô nhị” với Bắc Hàn.
Nhưng giờ đây Bắc Kinh có vẻ đã hết kiên nhẫn với Bình Nhưỡng, và việc Trung Quốc ủng hộ nghị quyết Hội đồng Bảo an đánh dấu một thay đổi lớn về chính sách của họ đối với nước láng giềng nghèo kiết xác của mình. Trung Quốc đã phản ứng giận dữ khi Bắc Hàn thử hạt nhân hôm 12/2, lần thử thứ ba kể từ năm 2006. Sau vụ này, những nhà ngoại giao Trung Quốc và Mỹ đã cùng nhau soạn thảo nghị quyết siết chặt những lệnh cấm vận Bình Nhưỡng. Nghị quyết này đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua với toàn bộ 15 phiếu thuận, và không cần qua tranh luận.
Một số nhà phân tích tin rằng việc Bắc Kinh ủng hội đợt cấm vận mới đây cho thấy họ đang ngày càng bất bình với Bắc Hàn. Dấu hiệu rõ nhất thể hiện qua một phiên họp mở cửa cho báo giới tham dự hôm 14/3 của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc. Các đại biểu bàn vấn đề nên “giữ hay bỏ” Bắc Hàn, và tranh luận liệu Trung Quốc, với tư cách là một đại cường quốc, nên “đánh hay đàm” với Bắc Hàn.
Hồi tháng 8/2012, bài xã luận của một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc đăng trên tờ Nhân Dân nhật báo nhận định Trung Quốc cần khuyến khích và ủng hộ các công ty Trung Quốc đầu tư ở Bắc Hàn. Tờ báo này cũng trích lời một quan chức khác ca ngợi triển vọng tăng trưởng của Bắc Hàn. Trung Quốc chiếm khoảng 80 phần trăm tổng kim ngạch mậu dịch của Bắc Hàn. Theo Reuters, mức tăng trưởng mậu dịch giữa hai nước đã giảm mạnh trong năm 2012, chỉ tăng 5,4% tới tổng kim ngạch 5,93 tỉ Mỹ kim, so với tỉ lệ tăng 62,4 % trong năm 2011.
Nhưng thời thế chóng thay đổi. Tuần rồi, Hoàn Cầu thời báo, tờ báo có thế lực trực thuộc tờ báo Đảng Nhân Dân nhật báo, kêu gọi Trung Quốc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Bắc Hàn. Tờ này khuyến cáo Bình Nhưỡng không nên đánh giá thấp cơn giận của Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc gọi Bắc Hàn là kẻ vô ơn và của nợ không đáng tin cậy. Giới chức trách và giới kinh doanh có nhiệm vụ xây dựng quan hệ thương mại thậm chí còn không muốn bàn về Bắc Hàn. Trong một cuộc họp báo gần đây, các quan chức đã lảng tránh không trả lời trực tiếp câu hỏi của một phóng viên Reuters về tiến độ xây dựng khu kinh tế Rason ở tỉnh Cát Lâm sát biên giới Bắc Hàn.
Tuy nhiên cũng có người nghi ngờ khả năng Trung Quốc thật tình muốn nghiêm túc trừng phạt Bắc Hàn. Theo Marcus Noland, chuyên gia về kinh tế Bắc Hàn của Viện Kinh tế học Quốc tế Peterson ở Washington, vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc tới mức độ nào, và có nhiều lỗ hổng để Trung Quốc lợi dụng nếu họ muốn.
Nhưng có lẽ Bắc Kinh vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ của Kim Chính Ân, vì họ xem đó là đối trọng với Mỹ và các đồng minh Nam Hàn và Nhật. Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nghĩ rằng cấm vận không phải là mục đích cuối cùng cho những hành động của Hội đồng Bảo an hay giải pháp căn bản cho vấn đề Bắc Hàn. Theo tờ The New York Times, ông Dương nói Trung Quốc sẽ không bỏ rơi Bắc Hàn, lặp lại lập trường xưa nay của Trung Quốc rằng đối thoại, chứ không phải cấm vận, là cách tốt nhất để thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Phản ứng trước kế hoạch tăng cường phòng thủ của Mỹ, hôm thứ Hai 18/3, Trung Quốc nhận định rằng hành động đó chỉ làm tăng thêm đối đầu, và kêu gọi Washington ứng xử cẩn trọng với thái độ có trách nhiệm. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Vấn đề chống hỏa tiễn có tác động trực tiếp tới cán cân và sự ổn định toàn cầu và trong khu vực, và có liên quan tới lợi ích chiến lược hỗ tương giữa các quốc gia”. Trung Quốc tin rằng những nỗ lực tăng an ninh và giải quyết vấn đề phổ biến hạt nhân tốt nhất là nên thông qua các con đường ngoại giao.
Những phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra chỉ mấy ngày trước khi David Cohen, thứ trưởng Mỹ chuyên trách về khủng bố và tình báo tài chính, thăm Trung Quốc để thảo luận việc thực hiện những cấm vận kinh tế chống lại Bắc Hàn. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn thường bày tỏ quan ngại về những kế hoạch của Mỹ về các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, cũng như việc Mỹ bán các hệ thống đó cho Đài Loan và Nhật, coi đó là một phần trong ý đồ “bao vây” và chế ngự Trung Quốc dù Mỹ đã nhiều lần cố gắng xoa dịu những nỗi lo của Trung Quốc. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách phát triển hệ thống chống hỏa tiễn của riêng mình, và hồi tháng Giêng đã công bố lần thử thành công mới đây nhất.
Ba lá bài trong chiến lược của Bắc Hàn
Bình Nhưỡng thực ra đang làm căng để đòi tái đàm phán thỏa thuận ngừng bắn với hy vọng vẽ lại ranh giới Khu phi quân sự hóa và hy vọng Mỹ chính thức công nhận Bắc Hàn – cả về chính trị lẫn tư cách một nhà nước hạt nhân. Bắc Hàn đã có lịch sử lâu đời sử dụng những lời cảnh báo và đe dọa, mà phần nhiều không thành hiện thực.
Nhưng Bình Nhưỡng cũng có lịch sử đầy những hành động xấc xược, liều lĩnh. Kể từ khi kết thúc cuộc chiến Triều Tiên, Nam Hàn đã cáo buộc Bắc Hàn nhiều lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Trước năm 2000 thường xuyên có những cuộc tập kích qua biên giới, những tàu ngầm và các đội đặc nhiệm thâm nhập vùng biển Nam Hàn, và bắt cóc hàng trăm ngư dân Nam Hàn và đến nay vẫn còn giam giữ họ. Hàng ngàn người của cả hai bên, trong đó có nhiều lính Mỹ, được cho là đã chết hay vẫn còn mất tích. Theo số liệu quân sự của Mỹ và Nam Hàn, tính tới giữa thập niên 1990, Bắc Hàn đã có 420 ngàn lần vi phạm thỏa thuận.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000, những khiêu khích đó ít xảy ra hơn. Nhưng năm 2010, Bắc Hàn đánh chìm một tàu hải quân của Nam Hàn và pháo kích vào một đảo gần biên giới, làm thiệt mạng bốn người. Những hành động leo thang đó có thể là do trong những ngày cuối cùng của Kim Chính Nhật, Bình Nhưỡng muốn phô trương sức mạnh của mình và chứng tỏ không ai tiên liệu được những nước đi của họ nhằm bảo đảm an ninh trong quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo sang cho Kim Chính Ân.
George Friedman, nhà sáng lập và chủ tịch hãng phân tích địa chính trị quốc tế Stratfor, bình luận rằng với mục tiêu chủ đạo là bảo tồn chế độ, chiến lược của Bắc Hàn dựa trên ba lá bài “hung dữ”, “yếu đuối” và “điên rồ”. Thứ nhất, Bắc Hàn tạo hình ảnh hung dữ bằng cách tỏ ra có, hoặc sắp có, sức mạnh hủy diệt bằng hạt nhân, khiến các nước khác lo ngại. Thứ hai, họ tạo hình ảnh yếu đuối, chẳng hạn hoàn toàn bị cô lập với thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng, đến nỗi bất luận họ có hung dữ tới đâu, chẳng việc gì cần phải gây sức ép với họ vì thể nào họ cũng sụp đổ. Thứ ba, họ tạo hình ảnh điên rồ, ví dụ dọa tấn công Mỹ; nghĩa là nếu bị ép họ sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm vì họ có thể liều mạng ra tay dù chỉ đối mặt với một hành động khiêu khích nhỏ.
Ban đầu, khả năng chứng tỏ hung dữ của Bình Nhưỡng chỉ giới hạn ở năng lực của quân đội Bắc Hàn trong việc pháo kích Seoul. Họ đã tập trung pháo binh dọc biên giới và trên lý thuyết có thể hủy diệt thủ đô Nam Hàn, giả định miền bắc có đủ đạn dược. Người ngoài sẽ có lợi trong việc gây bất ổn định cho chế độ miền bắc, nhưng sự hung dữ của Bình Nhưỡng đủ để Nam Hàn và các đồng minh chùn tay trong nỗ lực làm suy yếu chế độ Bắc Hàn. Chiến lược tỏ vẻ hung dữ này được tiếp nối bằng động thái phát triển hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân – vì một cuộc chiến hạt nhân chẳng ích lợi gì cho ai, nên chẳng ai muốn khiến chế độ đó nổi giận.
Nhiều quốc gia đã chơi cái trò tỏ vẻ hung dữ này, nhưng Bắc Hàn đã khôn khéo khoác thêm cái vẻ yếu đuối. Bằng nhiều cách, Bắc Hàn đã cố tình bộc lộ vẻ yếu đuối của nền kinh tế nước họ, đặc biệt là thiếu an ninh thực phẩm. Tuần rồi, tờ báo Nhật Mainichi Shimbun cho biết giá gạo đã tăng khoảng 60 phần trăm ở các chợ Bình Nhưỡng trong khi có dấu hiệu Trung Quốc siết chặt kiểm tra hải quan ở biên giới với Bắc Hàn. Họ không làm lộ liễu, mà để cho thế giới bên ngoài thấy những hình ảnh thoáng qua về nền kinh tế èo uột và đời sống chật vật ở Bắc Hàn. Từ đó, thế giới thấy chẳng cần ra tay làm suy yếu chế độ này vì tự thân nó sẽ sụp đổ do những nhược điểm của nó.
Bắc Hàn còn khoác lên lớp áo thứ ba để hoàn thiện chiến lược của mình. Họ tự khắc họa mình là kẻ điên rồ, khó tiên đoán, không ngại đưa ra những lời đe dọa ngông cuồng và có vẻ sẵn sàng gây chiến. Hành động vô cớ đánh chìm tàu Nam Hàn là một ví dụ. Đối phó với Bắc hàn cũng như đánh bài xì phé: ta có thể chơi với nhiều loại đối thủ khác nhau, từ những người thật sự hiểu rõ cơ may tới những người chơi cho vui, nhưng không bao giờ chơi bài với một kẻ điên khùng.
Tỏ vẻ yếu đuối và điên rồ là chuyện dễ dàng cho Bắc Hàn, nhưng tỏ vẻ hung dữ thì khó hơn. Bắc Hàn không những phải tiếp tục tỏ vẻ ngày càng hung dữ, mà họ còn phải tránh leo thang tới mức vô hiệu hóa hai lá bài kia, và tránh đẩy thế giới vô thế tức nước vỡ bờ. Những hành động leo thang của Bắc Hàn gần đây tiếp nối chuỗi dài những chiến thuật nhằm bảo tồn trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Nhưng những chiến thuật đó có thể khiến Bắc Hàn bất lợi về chiến lược nếu lãnh đạo của chế độ này bất chấp những bất bình của cộng đồng quốc tế và những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được tất cả các nước thành viên thực hiện nghiêm ngặt.
Tham khảo:
-
Ben Blanchard, “China criticizes U.S. anti-missile North Korea plan”, Reuters, 18/3/2013
-
Phil Stewart and David Alexander, “U.S. to bolster missile defenses to counter North Korea threat: Hagel”, Reuters, 15/3/2013
-
Choe Sang-Hun, “South Korea Disputes North’s Dismissal of Armistice”, The New York Times, 12/3/2013
-
George Friedman, “Considering a Departure in North Korea’s Strategy”, Stratfor Geopolitical Weekly, 12/3/2013
-
Mark Mackinnon, “War talk mounts as North Korea scraps armistice”, The Globe and Mail, 11/3/2013
-
Scott A. Snyder, “UN Sanctions and North Korea”, Asia Unbound, 8/3/2013
Bài đăng trên Dân Luật đã xin phép tác giả.Mời các bạn tiếp tục cập nhật tình hình ở bán đảo Triều Tiên trong topic này.
Cập nhật bởi themiracle ngày 01/04/2013 08:09:03 CH