Hiện nay, ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hoạt động trong lĩnh vực mê tín tâm linh dưới các tên gọi như: thầy bói, thầy tướng số, thầy phong thủy... Với nhiều người dân thì "tục lệ" bói toán được xem là nghi thức cần thiết vào mỗi dịp đầu năm để: xin xăm, xóc thẻ, xem tình duyên gia đạo,... hay ngay cả đến việc xem tuổi dựng vợ gả chồng. Từ đó đã dẫn đến tình trạng người xem bói lọc lừa lòng tin để trục lợi tiêng. Sau một số vụ việc đáng tiếc mà nguyên nhân xuất phát từ những lời phán của thầy bói (giết người để tìm người thế mạng, giết người yêu rồi tự sát vì thầy phán không hợp duyên,...) thì liệu rằng thầy bói có vô can? Vậy theo quy định hiện hành, đã có những chế tài nào xử lý đối với những kẻ lợi dụng việc này?
Xem bói có xem là hành vi vi phạm pháp luật không?
Chúng ta cần phân định rõ nhu cầu xem bói để tìm những lời khuyên hay cầu sự may mắn tốt đẹp mà không nhằm trục lợi, không gây hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự thì sẽ không bị xử lý.
Mặt khác, đối với hành vi lợi dụng bói toán vi phạm quy định để trục lợi bất chính sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà có các hình thức xử phạt khác nhau, cụ thể như sau:
>>>Quy định pháp luật về xử phạt hành chính đối với những người hành nghề thầy bói
Theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trang và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP người vi phạm còn phải thực hiện chế tài bổ sung là buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên.
>>>Quy định pháp luật về xử lý hình sự đối với những người hành nghề thầy bói
Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoan. Theo đó, nếu người dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, và xử lý hình xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp phạm tội làm chết người hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, việc thầy bói lợi dụng tư cách của mình để thực hiện hành vi phạm tội khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiếp dâm,… sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành đúng với tội trạng mà người đó gây ra.
Như vậy, nếu hành vi bói toán hoặc các hình thức mê tín, dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hay đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan.
Lời phán thầy bói là nguyên nhân dẫn đến các hậu quả đáng tiếc, thầy bói liệu có vô can?
Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra không thể phủ nhận trách nhiệm vô can của người thầy bói khi họ chính là nguyên nhân tác động tội phạm bằng các hình thức như: xúi dục, thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội như: Giết người, cố ý gây thương tích,…thì thầy bói này sẽ phải chịu trách nhiệm là đồng phạm về tội danh đó với vai trò là người xúi dục theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017(Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm)
Tuy nhiên, trường hợp lời phán của thầy bói chỉ nói chung chung, tác động gián tiếp dẫn đến hậu quả đáng tiếc thì sẽ tùy theo mức độ và tính chất có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP hoặc bị xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Cập nhật bởi lanbkd ngày 19/02/2019 07:28:45 SA