Xe máy có bắt buộc đủ 2 gương chiếu hậu?

Chủ đề   RSS   
  • #609439 15/03/2024

    gryffin

    Chồi

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/03/2024
    Tổng số bài viết (82)
    Số điểm: 1364
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 35 lần


    Xe máy có bắt buộc đủ 2 gương chiếu hậu?

    Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân sử dụng xe máy nhiều nhất Đông Nam Á, vì thế các quy định áp dụng cho luật giao thông là rất nhiều và phức tạp. Đơn cử trường hợp “xe máy phải có đủ 2 gương chiếu hậu” được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.

    1. Pháp luật quy định về gương chiếu hậu như thế nào?

    Gương chiếu hậu, còn được gọi là gương chắn bùn, gương cửa, gương chiếu hậu bên ngoài hoặc gương nhìn bên, là gương được tìm thấy ở bên ngoài xe cơ giới với mục đích giúp người lái nhìn thấy các khu vực phía sau và hai bên nằm bên ngoài tầm nhìn ngoại vi của người lái xe (điểm mù).

    Để đảm bảo an toàn dành cho người tham gia giao thông, căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, xe gắn máy phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển.

    Ngoài ra căn cứ tiểu mục 1.3 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2015/BGTVT, quy định như sau:

    Nhóm L1: Xe gắn máy hai bánh;

    Nhóm L2: Xe gắn máy ba bánh;

    Nhóm L3: Xe mô tô hai bánh;

    Nhóm L4: Xe mô tô ba bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên);

    Nhóm L5: Xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe.
    Bên cạnh đó, ta căn cứ  tiểu mục 2.11 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2015/BGTVT về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với gương chiếu hậu của xe mô tô, xe gắn máy như sau:

    - Đối với xe nhóm L1, L2 phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Đối với xe nhóm L3, L4, L5 phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái.

    - Gương chiếu hậu sử dụng lắp trên xe là loại gương phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT.

    - Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái.

    - Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.

    - Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

    Xét theo các quy định trên, xe máy hai hoặc ba bánh chỉ bắt buộc lắp gương chiếu hậu bên trái, không bắt buộc phải lắp 2 gương.

    2. Tiêu chuẩn của gương chiếu hậu

    Căn cứ tiểu mục 2.2 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT về gương chiếu hậu xe mô tô, xe gắn máy do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

    Tất cả các gương phải điều chỉnh được vùng quan sát.

    - Mép của bề mặt phản xạ gương phải nằm trong vỏ bảo vệ (đế gương) và mép của vỏ bảo vệ phải có bán kính cong “c” có giá trị không nhỏ hơn 2,5 mm tại mọi điểm và theo mọi hướng. Nếu bề mặt phản xạ nhô ra khỏi vỏ bảo vệ thì bán kính cong “c” của mép biên của phần nhô ra không được nhỏ hơn 2,5 mm và phải di chuyển được vào phía trong của vỏ bảo vệ khi tác dụng một lực 50 N vào điểm ngoài cùng của phần nhô ra lớn nhất so với vỏ bảo vệ theo hướng vuông góc với mặt phản xạ gương.

    - Tất cả các bộ phận của gương phải có bán kính cong “c” không nhỏ hơn 2,5 mm.

    - Mép của các lỗ để lắp đặt hay là các chỗ lõm có chiều rộng nhỏ hơn 12 mm thì không cần phải áp dụng các yêu cầu về bán kính trên nhưng phải được làm cùn cạnh sắc.

    - Các bộ phận của gương chiếu hậu được làm bằng vật liệu có độ cứng không lớn hơn 60 Shore A thì không phải áp dụng các yêu cầu nêu trên.

    Quy định về kích thước

    - Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2.

    - Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.

    - Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

    Quy định về hệ số phản xạ và bề mặt phản xạ

    - Giá trị hệ số phản xạ của bề mặt phản xạ (quang học) được xác định theo phương pháp mô tả trong phụ lục A của quy chuẩn này không được nhỏ hơn 40%.

    - Bề mặt phản xạ của gương phải có dạng hình cầu lồi.

    - Giá trị “r” được xác định theo phương pháp mô tả trong phụ lục B của quy chuẩn này không được nhỏ hơn 1000 mm và không lớn hơn 1500 mm.

    - Sự khác nhau giữa ri hoặc ri ’ và rpi tại mỗi điểm khảo sát không được vượt quá 0,15 r. Sự khác nhau giữa các bán kính cong (rp1, r p2 và r p3) và r không được vượt quá 0,15 r.

    Như vậy, gương chiếu hậu nếu không đạt chuẩn theo những quy định trên thì cũng không được chấp nhận và sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt.

    3. Nguy hiểm tiềm ẩn đối với xe máy không có kính chiếu hậu

    Đầu tiên, không có kính chiếu hậu hoặc kính chiếu hậu không đủ tiêu chuẩn như đã đề cập sẽ khiến người tham gia giao thông đối mặt với nguy cơ bị xử phạt. Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

    - Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

    + Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;

    + Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng;

    + Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe;

    + Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;

    + Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;

    + Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;

    + Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.

    Thứ hai, khi qua đường hoặc quay đầu xe, người điều khiển sẽ phải quay đầu về phía sau để quan sát, khi đó, khoảng không gian phía trước là điểm mù, người điều khiển sẽ bị mất thăng bằng và những nguy hiểm ở phía trước xuất hiện vào thời điểm này họ sẽ không xử lý kịp vì đang tập trung quan sát phía sau.

    Thứ ba, nguy cơ bị cướp giật trên đường. Phần lớn những vụ cướp giật tài sản cá nhân trên đường như túi xách, dây chuyền, vòng cổ… thì các đối tượng thường rình rập ở phía sau người điều khiển một thời gian, quan sát kĩ rồi mới hành động. Nếu không có kính hoặc kính không hoạt động đúng công dụng, người tham gia giao thông sẽ không nhận biết kịp để xử lý.

    Tóm lại, pháp luật quy định không bắt buộc xe máy phải có hai gương chiếu hậu, chỉ gương bên trái là bắt buộc có và phải đúng theo tiêu chuẩn pháp luật. Vì sự an toàn, người tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm túc các quy định theo pháp luật.

     
    6510 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn gryffin vì bài viết hữu ích
    admin (22/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận