Xe độ pô, độ còi có vi phạm pháp luật không? Xe độ nào được pháp luật cho phép?

Chủ đề   RSS   
  • #610631 16/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 489 lần


    Xe độ pô, độ còi có vi phạm pháp luật không? Xe độ nào được pháp luật cho phép?

    Xe độ là xe được thay đổi khác đi so với phiên bản được bán ra thị trường, các dân chơi xe độ thường có hai trường phái độ xe chính là: xe độ máy và xe độ kiểng.

    Vậy xe độ nào được pháp luật cho phép? Xe độ pô, độ còi có vi phạm pháp luật không?

    (1) Có được phép độ pô, độ còi xe không?

    Pô xe hay còn gọi là ổng xả, là bộ phận quan trọng của bất kỳ chiếc xe nào. Ống pô xe có nhiệm vụ đưa khí thải ra bên ngoài giúp biến đổi, giảm âm thanh của luồng khí khi xe vận hành, chức năng chính là giảm âm.

    Còi xe là một trong các chi tiết phụ tùng thuộc hệ thống tín hiệu. Người điều khiển phương tiện sử dụng còi để thông báo về sự có mặt của mình khi muốn chuyển làn, hay trước mặt có xe muốn chuyển làn để đảm bảo an toàn.

    Độ pô hay độ còi xe là việc mà người sử dụng phương tiện thay đổi kết cấu của pô xe, còi xe để tiếng pô, tiếng còi kêu to hơn, giòn hơn, gây sự chú ý nhiều hơn.

    Tuy nhiên, hành vi độ pô, độ còi xe hoàn toàn bị nghiêm cấm theo Luật Giao thông đường bộ 2008.

    Cụ thể tại khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

    - Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

    Căn cứ vào quy định trên, việc điều khiển xe độ pô, độ còi khác với thiết kế của nhà sản xuất khi lưu thông ngoài đường là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, người điều khiển xe độ pô, độ còi sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

    Về mức xử phạt hành chính việc độ pô, độ còi, pháp luật có quy định ở nhiều điểm như:

    Điểm d, đ khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt 100.000 đồng đến 200.000 đối với người điều khiển xe máy có hành vi:

    - Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe;

    - Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;

    Điểm c khoản 2 và điểm d khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định đối với người điều khiển xe ô tô như sau:

    - Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 khi điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn.

    - Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định.

    Việc độ pô, độ còi lớn tiếng gây ảnh hưởng, ô nhiễm tiếng ồn có thể bị phạt vì vi phạm quy chuẩn tiếng ồn theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP. Mức phạt cho hành vi này tùy thuộc vào tiếng ồn vượt quá quy định, mức phạt cao nhất có thể lên đến 160 triệu đồng.

    (2) Xe độ nào được pháp luật cho phép?

    Như đã đề cập ở trên, dân chơi thường có hai trường phái độ xe là độ máy và độ kiểng.

    Xe độ máy là xe có thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    Hành vi độ máy xe là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm trong Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008. Người sử dụng xe độ máy, có thay đổi kết cấu xe khi lưu thông sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

    Xe độ kiểng là xe thay đổi về màu sắc, thêm một số chi tiết bên ngoài dàn áo của xe nhằm để xe đẹp hơn, hầm hố hơn,...

    Về quy định pháp luật, theo khoản 1 và điểm a khoản 15 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định như sau:

    - Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.

    - Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1; điểm b khoản 2 Điều 30 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định;

    Tuy nhiên, không hẳn là dân chơi không được phép độ xe của mình. Bởi vị luật chỉ quy định hành vi tự ý thay đổi màu sắc của xe chứ không quy định là cấm thay đổi màu sắc của xe.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Thông tư 24/2023/TT-BCA có quy đinh

    - Trong quá trình sử dụng, nếu chứng nhận đăng ký xe, biển số xe bị hỏng, bị mất hoặc khi cải tạo xe, thay đổi màu sơn thì chủ xe (là tổ chức, cá nhân trúng đấu giá biển số xe) làm thủ tục cấp đổi, cấp lại tại cơ quan đăng ký xe đã đăng ký, cấp biển số cho xe đó theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 Thông tư 24/2023/TT-BCA.

    Và tại quy định ở khoản 2 Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA, chủ phương tiện thực hiện việc đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra đối với xe cải tạo, thay đổi màu sơn.

    Như vậy, chủ sở hữu phương tiện có quyền được thay đổi màu sơn xe của mình, nhưng phải thực hiện việc khai báo, đưa xe đến cơ quan đăng ký để kiểm tra, cấp lại giấy đăng ký xe theo đúng quy định pháp luật.

     
    3417 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận