Hiện nay, việc xác định hiệu lực của văn bản pháp luật được quy định theo Luật ban hành VBQPPL 2015 và các văn bản hướng dẫn của luật này, cụ thể Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết luật ban hành VBQPPL. Theo đó, thời điểm có hiệu lực của văn bản pháp luật được quy định tại Điều 151 Luật ban hành VBQPPL 2015 như sau:
Điều 151. Thời điểm có hiệu lực của VBQPPL
1. Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với VBQPPL của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
2. VBQPPL được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
|
Như vậy có thể hiểu thời điểm có hiệu lực của văn bản pháp luật như sau:
- Đối với văn bản thông thường thì được quy định tại văn bản đó nhưng:
+ Không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với VBQPPL của cơ quan nhà nước trung ương;
+ Không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL của Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
- Trường hợp văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định: Ngày có hiệu lực của VBQPPL phải được quy định cụ thể ngay trong VBQPPL.