Vụ trừ tiền trợ cấp công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam: Khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân là đúng quy định

Chủ đề   RSS   
  • #552301 20/07/2020

    MinhPig
    Top 75
    Female
    Lớp 12

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:06/04/2018
    Tổng số bài viết (804)
    Số điểm: 20259
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 767 lần


    Vụ trừ tiền trợ cấp công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam: Khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân là đúng quy định

     

    Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, việc khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người lao động nghỉ việc là đúng quy định.

    Bà Cúc cũng cho rằng, không nên sửa luật, vì quản lý thuế phải đảm bảo công bằng và hiệu quả. Việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động phải được thực hiện bằng nhiều công cụ khác, chứ không chỉ là chính sách thuế.

    * PV: Liên quan đến vụ việc công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam bị khấu trừ 10% thuế TNCN khoản trợ cấp nghỉ việc mà báo chí phản ánh gần đây, ở góc độ của một nhà nghiên cứu chuyên sâu về thuế, xin bà cho biết quan điểm về vấn đề này?

    - Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi cũng đã biết thông tin này và tham khảo nhiều ý kiến liên quan. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là việc trừ thuế với khoản trợ cấp nghỉ việc có phù hợp không? Để trả lời câu hỏi này, theo tôi cần nhìn trên hai giác độ: Thứ nhất, có đúng luật không? Thứ hai, có đúng đạo lý không?

    Ở giác độ thứ nhất, chúng ta đang xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và thực hiện quản lý kinh tế - xã hội theo phương châm “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Việc tính thuế TNCN phải căn cứ và Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế TNCN.

    Theo Khoản 2 Điều 3 Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12, thì khoản tiền trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ Luật lao động không chịu thuế TNCN. Như vậy, đối với khoản trợ cấp mất việc mà Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chi trả cho người lao động theo đúng mức quy định của Bộ Luật Lao động thì không chịu thuế TNCN. Phần chi trả vượt trên mức quy định của Bộ Luật lao động thì phải chịu thuế TNCN. Điều này cho thấy, khi tính vào thu nhập chịu thuế đối với phần trợ cấp mất việc vượt mức quy định của Bộ Luật Lao động là đúng quy định pháp luật.

    Ở giác độ thứ hai là có đúng đạo lý không? Về nguyên tắc, khi người lao động nhận được các khoản tiền lương và các khoản lợi ích khác từ người sử dụng lao động thì đó là thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động. Tuy nhiên, khi thảo luận và quyết định các nội dung của Luật thuế TNCN năm 2007, Quốc hội đã xác định áp dụng chính sách xã hội đối với người lao động gặp khó khăn, nên mới thông qua quy định phần trợ cấp mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động không chịu thuế TNCN.

    Thêm vào đó, mức chi trả trợ cấp mất việc theo Điều 49 Bộ luật Lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên “mỗi năm làm việc một nửa tháng lương” là để trang trải cuộc sống cho người lao động phải nghỉ việc. Cùng với việc người lao động được giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN, việc không tính vào thu nhập chịu thuế đối với phần trợ cấp mất việc là nhằm đảm bảo chính sách không đánh thuế TNCN đối với người lao động có thu nhập thấp.

    Ở đây cũng cần lưu ý thêm là, nếu như Luật thuế TNCN không khống chế mức trợ cấp mất việc không chịu thuế theo quy định của Bộ luật Lao động, thì sẽ dẫn đến khả năng lợi dụng tránh thuế. Quy định pháp luật thuế phải đảm bảo tính công bằng, tính hiệu quả và ngăn ngừa gian lận thuế. Những phân tích trên cho thấy, phần trợ cấp mất việc trả cho người lao động vượt trên mức quy định của Bộ luật Lao động là hoàn toàn phù hợp cả về pháp luật và về đạo lý.

    * PV: Xuất phát từ sự việc cụ thể này, có ý kiến đề xuất tạm dừng thu thuế đối với khoản tiền trợ cấp thất nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động. Theo bà đề xuất này có hợp lý?

    - Bà Nguyễn Thị Cúc: Việc không thu thuế đối với khoản tiền trợ cấp mất việc phải do Quốc hội quyết định, không thể tạm dừng tùy tiện, bởi luật thuế do Quốc hội quy định. Bây giờ nếu không thu thì phải sửa luật, nếu gia hạn thì phải có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội. Mặt khác, như tôi đã phân tích trên, khi quy định khoản trợ cấp mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động, khi xây dựng, thông qua Luật thuế TNCN, Quốc hội đã tính đầy đủ đến chính sách đối với người lao động trong trường hợp mất việc làm.

    Cũng cần lưu ý thêm là, thuế TNCN được tạm khấu trừ bởi người chi trả thu nhập và người lao động sẽ quyết toán thuế theo năm. Như vậy, nếu trường hợp người lao động ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã được công ty tạm khấu trừ thuế, đến cuối năm khi tổng hợp toàn bộ thu nhập chịu thuế từ các nguồn khác nhau dẫn đến số thuế phải nộp thấp hơn số thuế đã tạm khấu trừ đã nộp, thì người lao động  được hoàn thuế TNCN. Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động đến hết năm không có thêm khoản thu nhập khác thì họ muốn không phải khấu trừ thuế 10% và muốn nhận được tất cả khoản trợ cấp.

    * PV: Với trường hợp cụ thể như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, theo bà thì giải pháp tốt nhất hiện nay là gì?

    - Bà Nguyễn Thị Cúc: Vấn đề khấu trừ thuế TNCN của người lao động Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, theo quan điểm của cá nhân tôi thì việc doanh nghiệp khấu trừ 10% khoản trợ cấp trên 1/2 tháng lương/năm làm việc để nộp ngân sách là đúng theo quy định của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đến 31/12 hàng năm, người lao động không có thu nhập thêm, sẽ được hoàn thuế.

    Trường hợp do ảnh hưởng dịch Covid-19, để giảm thiểu khó khăn cho người lao động cần gia hạn thời gian nộp thuế đã khấu trừ của doanh nghiệp cho người lao động, thì UBTV Quốc hội phải ban hành nghị quyết, hoặc Chính phủ cần phải ban hành nghị định cho giãn thời hạn nộp thuế TNCN đối với khoản thu nhập này (tương tự như Nghị định 41/2020/NĐ-CP). Tuy nhiên, cần phải cân nhắc rất kỹ trước khi ban hành quy định này, vì sẽ gặp khó khăn trong thực hiện do: Người khấu trừ thuế 10% được tạm thời chưa nộp nếu có nghị quyết, nghị định chính là doanh nghiệp. Có nghĩa doanh nghiệp là người được giãn nộp khoản nợ thuế, nhưng nghĩa vụ quyết toán thuế TNCN của người lao động đã nghỉ việc  theo quy định của Luật thuế TNCN là do cá nhân phải tự quyết toán.

    Nếu trong trường hợp người lao động đã nhận đủ tiền, kể cả 10% mà không quyết toán năm, thì khoản nợ ngân sách lại thuộc về doanh nghiệp. Trong thực tế, theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, khi đã nhận đủ tiền, người lao động hầu như không quyết toán thuế. Nếu chưa nhận được, họ sẽ chịu khó quyết toán để lấy thêm tiền, còn đã  nhận hết tiền rồi  thì họ sẽ không quan tâm gì đến chuyện quyết toán. Theo đó, Công ty PouYuen Việt Nam vẫn treo nợ thuế NSNN đối với khoản tiền này. Như vậy, chính sách gia hạn thuế  tạm khấu trừ 10% đến cuối năm rất khó thực thi.

    Cũng có ý kiến cho rằng, nhân đây cần sửa quy định không thu thuế TNCN  khoản trợ cấp thôi việc, mất việc… theo tôi là không nên, vì sẽ không đảm bảo tính công bằng và hiệu quả. Trong trường hợp người lao động gặp khó khăn thì không nên giải quyết đơn thuần bằng chính sách thuế, mà phải bằng các chính sách an sinh xã hội khác. Thực tế vừa qua cho thấy, khi dịch  Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã có hàng loạt các chính sách để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Điều này cho thấy, các chính sách đã và đang đi đúng hướng. Vấn đề là chúng ta cần thực hiện tốt các chính sách này một cách đồng bộ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, hỗ trợ tốt nhất người dân gặp khó khăn, đi đôi với tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế để việc hoàn thuế, miễn giảm thuế đơn giản, nhanh nhất, không làm người nộp thuế quan ngại.

    Theo Tổng cục Thuế

     

     
    2049 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận