Hiện nay, tình hình thực phẩm diễn ra phức tạp, thật giả lẫn lộn, khiến người tiêu dùng phải bàng hoàng, ngỡ ngàng khi các sự việc được báo chí phanh phui. Tại sao con người ta có thể suy nghĩ làm ra những thứ hàng giả đó, thậm chí là dùng cả cát, sỏi, ruột pin con ó,…để mong được tăng cân, được màu như ý muốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như vậy. Giá mà chất xám đó, công sức đó có thể dùng vào mục đích làm ăn chính đáng khác thì hay biết mấy.
“Chiều 26/4, UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức họp báo thông tin kết quả điều tra vụ pha trộn cát sỏi, lõi pin vào phế phẩm cà phê tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'Lâp. Theo thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đăk Nông, cơ sở của bà Loan hoạt động từ năm 2016, có giấy đăng ký kinh doanh thu mua nông sản. Bà Loan thừa nhận sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá 2-3 mm và than pin trộn lại với nhau để tạo ra "sản phẩm hỗn hợp" bán kiếm lời. Quy trình nhuộm đen này do vợ chồng bà Loan tự nghĩ ra.
Vợ chồng Loan khai nhận chỉ mới bán 3 tấn sản phẩm này cho Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn với giá 9.000 đồng mỗi kg. Hai người này bán lại cho Phan Thị Dung (56 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung) với giá 12.000 đồng một kg. Sau khi mua về, bà Dung đã cho công nhân trộn hơn 1,5 tấn hỗn hợp vào hạt tiêu khô, nhằm tăng trọng lượng. Hồ tiêu chứa tạp chất này được đóng bao dự kiến bán cho các doanh nghiệp. Số còn lại (gần 1,5 tấn), sau khi cơ sở của vợ chồng Loan bị phát hiện, Dung đã chỉ đạo em chồng pha trộn với vôi, phân heo, ủ làm phân bón, sau đó đem đổ trong vườn cao su nhằm mục đích tẩu tán. Tại kho nông sản của Dung ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước), cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ 9 tấn chứa hạt tiêu khô được trộn hỗn hợp mua từ cơ sở của bà Loan, đóng trong 360 bao. Ngoài ra, số hỗn hợp tẩu tán cũng được thu giữ. “ (Theo báo vnexpress.net ngày 26/4/2018)
Việc làm của vợ chồng Loan theo ý kiến cá nhân của tôi đã cấu thành tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự 2015:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tùy theo kết quả điều tra của cơ quan Công an mà sẽ có mức hình phạt cụ thể hơn. Tuy nhiên, hãy thức tỉnh vì sức khỏe của chính chúng ta và con em chúng ta, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà giết hại lẫn nhau.