Virus Marburg có thể vào Việt Nam không? Triệu chứng mắc Virus Marburg là gì?

Chủ đề   RSS   
  • #617527 16/10/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27412
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 569 lần
    SMod

    Virus Marburg có thể vào Việt Nam không? Triệu chứng mắc Virus Marburg là gì?

    Virus Marburg là gì? Virus Marburg có thể vào Việt Nam không? Triệu chứng mắc Virus Marburg là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Virus Marburg là gì?

    Căn cứ mục 1 Phụ lục 2 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh sốt xuất huyết Marburg ban hành kèm theo Quyết định 2201/QĐ-BYT năm 2023 có quy định như sau:

    Bệnh sốt xuất huyết Marburg (MVD) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Marburg, thuộc bộ Mononegavirales, họ Filoviridae, chi Marburgvirus. Bệnh phát hiện đầu tiên năm 1967. 

    Hiện nay vẫn đang gây dịch lẻ tẻ tại một số quốc gia. Bệnh có thể lây từ động vật sang người, hoặc từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc, máu, chất dịch cơ thể, đồ vật bị ô nhiễm của người/động vật nhiễm bệnh. 

    Biểu hiện thường gặp của bệnh bao gồm: 

    - Sốt cao.

    - Đau đầu.

    - Tiêu chảy.

    - Buồn nôn/nôn và có thể gây xuất huyết, suy tạng nặng. 

    Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 88%). Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

    (2) Triệu chứng mắc Virus Marburg là gì?

    Cũng theo Phụ lục 2 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh sốt xuất huyết Marburg ban hành kèm theo Quyết định 2201/QĐ-BYT năm 2023 những triệu chứng lâm sàng khi mắc bệnh do Virus Marburg như sau:

    - Giai đoạn ủ bệnh: từ 2 đến 21 ngày (trung bình 5 đến 10 ngày), người bệnh không có biểu hiện hiệu chứng. Virust có thể được phát hiện trong máu người bệnh trước khi khởi phát triệu chứng 01 ngày.

    - Biểu hiện lâm sàng: Bệnh biểu hiện đột ngột với các triệu chứng không đặc hiệu như:

    + Sốt cao liên tục, ớn lạnh.

    + Đau đầu dữ dội và đau nhức cơ bắp.

    + Biếng ăn, đau bụng, buồn nôn/nôn, tiêu chảy nặng, gây mất nước, có thể dẫn tới sốc.

    + Phát ban: ban đầu là ban dát, sau vài ngày chuyển thành sẩn và không ngứa. Ban lan từ vùng chân tóc lan ra toàn thân.

    + Biểu hiện tổn thương tạng.

    Giai đoạn sớm: Thường kéo dài từ ngày thứ 6 đến 13 với các biểu hiện:

    + Xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau: Xuất huyết dưới da và niêm mạc (xuất huyết nơi tiêm truyền, chảy máu mũi và chân răng, rong kinh). Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân có máu tươi). Xuất huyết nội tạng, trong cơ, chảy máu các khoang thành mạc..., dẫn tới tình trạng sốc mất máu.

    + Các dấu hiệu tổn thương thần kinh trung ương: lú lẫn, mê sảng, kích động.

    + Khó thở tiến triển, dẫn tới suy hô hấp.

    Giai đoạn muộn: Từ sau ngày thứ 13 trở đi, một số người bệnh tiến triển các tổn thương tạng nặng hơn: co giật, hôn mê; rối loạn chuyển hóa; rối loạn đông máu; sốc và suy đa tạng.

    + Đa số các trường hợp tử vong thường xảy ra trong khoảng từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 16 của bệnh.

    + Một số bệnh nhân có xu hướng cải thiện và hồi phục. Một số người bệnh có thể gặp viêm tinh hoàn (một hoặc hai bên) trong giai đoạn hồi phục của bệnh, sau ngày thứ 15.

    (3) Virus Marburg có thể vào Việt Nam không? 

    Các đợt bùng phát virus Marburg trước đây đã được báo cáo từ các quốc gia lân cận Rwanda, bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda và Cộng hòa Thống nhất Tanzania. 

    Các đợt bùng phát gần đây nhất được báo cáo ở Guinea Xích Đạo và Cộng hòa Thống nhất Tanzania trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2023. Khu vực bị ảnh hưởng ở Cộng hòa Thống nhất Tanzania là khu vực Kagera, giáp với Rwanda. Các quốc gia khác trước đây đã báo cáo các đợt bùng phát virus Marburg ở Khu vực Châu Phi bao gồm Angola, Ghana, Guinea, Kenya và Nam Phi.

    Theo Sở Y tế TP.HCM, nguy cơ bệnh Marburg xâm nhập vào là không cao, nhưng vẫn có thể xảy ra. Cụ thể, về đường hàng không, nguy cơ xâm nhập vào thành phố khá thấp khi không có đường bay thẳng và khách nhập cảnh đã được sàng lọc trước khi xuất cảnh. Khả năng thâm nhập qua đường hàng hải là rất thấp, Rwanda chỉ có 1 cảng hàng hải tại Kigali, theo dữ liệu về tàu nhập cảnh từ tháng 1/2023 đến 30/09/2024 thì không có tàu thuyền nào trực tiếp từ cảng hàng hải này. 

    Ngoài ra, thời gian vận chuyển từ Châu Phi về đến Thành phố Hồ Chí Minh qua đường biển thường kéo dài từ 25 đến 40 ngày, dài hơn thời gian ủ bệnh dài nhất của Marburg (là 21 ngày) như đã có nêu tại mục (2).

    Bên cạnh đó, ngày 11/10, Cục Y tế Dự phòng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã có Công văn 1006/DP-DT đề nghị tập trung triển khai các hoạt động phát hiện, kiểm soát dịch bệnh.

    Theo đó, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế cần: Cập nhật thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh Marburg để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại nước ta; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.

    Các đơn vị cũng cần chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ,mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); các trang thiết bị, hóa chất, thuốc đảm bảo có thể sử dụng ngay khi có dịch; Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Marburg. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

    Theo đó, hiện tại, nguy cơ virus Marburg vào Việt Nam là không cao nhưng  vẫn có thể xảy ra.

     
    85 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận