Đóng BHXH trong thời gian thử việc - Minh họa
Trường hợp người lao động vẫn muốn đóng BHXH trong thời gian thử việc, họ có phải đáp ứng điều kiện gì hay không? Nếu đóng BHXH trong thời gian này thì có tính vào tổng thời gian tham gia BHXH hay không? Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết hai câu hỏi nêu trên.
Vẫn muốn đóng BHXH bắt buộc trong thời gian thử việc có được không?
Theo quy định hiện hành, việc đóng BHXH là không bắt buộc đối với NLĐ đang trong thời gian thử việc.
>>> BLLĐ 2019: Không buộc đóng BHXH đối với HĐ thử việc
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là không phải lúc nào thời gian thử việc cũng được xác định bởi một hợp đồng thử việc riêng biệt. Quy định tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”
Điều này có nghĩa, vẫn sẽ có trường hợp thời gian thử việc sẽ là một điều khoản trong hợp đồng lao động chứ không phải một hợp đồng riêng biệt.
Đối với những loại hợp đồng lao động theo dạng này, người lao động và người sử dụng lao động hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc đóng BHXH cho thời gian thử việc, bởi lẽ đã là một HĐLĐ thì điều khoản về “Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp” là một trong những nội dung bắt buộc phải có (Điểm g Khoản 1 Điều 21).
Nếu hợp đồng được ký kết trong thời gian thử việc chỉ là một Hợp đồng thử việc, lúc này theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 BLLĐ 2019, phần nội dung về việc đóng BHXH là không bắt buộc!
Từ đó, có thể hiểu rằng việc đóng BHXH cho người đang thử việc sẽ được dễ dàng thực hiện nếu NLĐ và NSDLĐ ký kết một hợp đồng lao động chính thức chứ không phải hợp đồng thử việc!
Có được cộng thời gian này vào tổng thời gian đóng BHXH để hưởng các chính sách BHXH?
Như đã phân tích, trong trường hợp NLĐ vẫn được đóng BHXH bắt buộc khi thử việc, lúc này thực chất quan hệ lao động được xác lập trên một Hợp đồng lao động và đây là đối tượng đóng BHXH được nhắc tới tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng
…”
Vì vậy, thời gian đóng BHXH sẽ được xác định theo căn cứ tại Khoản 5 Điều 3 Luật này:
“5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”
Theo đó, có thể kết luận thời gian đóng BHXH khi thử việc sẽ được tính vào tổng thời gian đóng BHXH của NLĐ.