Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

Chủ đề   RSS   
  • #610281 05/04/2024

    Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

    Ngày 31/03/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa.

    Theo đó việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cần tuân thủ các quy định sau:

    1. Điều kiện đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

    Điều kiện đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại Điều 9 Nghị định 34/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

    - Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải đảm bảo có đủ các điều kiện điều khiển phương tiện và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định 34/2024/NĐ-CP.

    - Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn về loại hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.

    2. Điều kiện đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

    Điều kiện đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm được quy định tại Điều 10 Nghị định 34/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

    - Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

    - Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên, phía trước và phía sau của phương tiện đảm bảo dễ quan sát, nhận biết.

    - Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện khi không tiếp tục vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm đó.

    3. Xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi

    Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi cần tuân thủ quy định tại Điều 11 Nghị định 34/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    - Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng hóa nguy hiểm hoặc trong thông báo của người thuê vận tải.

    - Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải do người thủ kho, người thuê vận tải hoặc người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một phương tiện. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại khu vực kho, bến bãi riêng biệt.

    - Trường hợp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm không quy định phải có người áp tải thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người thuê vận tải.

    - Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.

    4. Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất dễ cháy, nổ qua công trình hầm, phà

    Việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất dễ cháy, nổ qua công trình hầm, phà cần tuân thủ quy định tại Điều 12 Nghị định 34/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    - Không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí đốt, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ, chất rắn khử nhạy khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên.

    - Không được vận chuyển đồng thời người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác trên cùng một chuyến phà.

    * Trên đây là quy định mới về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

    Nghị định 34/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2024 và thay thế cho Nghị định 42/2020/NĐ-CP.

     
    222 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận