Hiện nay, hoạt động mua bán ngoại tệ diễn ra khá sôi động, trong đó mua bán đô la tại các tiệm vàng vẫn công khai và phổ biến. Tuy nhiên, không phải tiệm vàng nào cũng quyền thu mua ngoại tệ, nên nhiều người vẫn không hề hay biết mình đang vi phạm pháp luật.
Mới đây, ngày 23/10/2018, UBND thành phố Cần Thơ đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê số tiền 90 triệu đồng vì đã có hành vi mang đổi 100 USD tại tiệm vàng, số tiền đổi được cũng bị tịch thu. Từ vụ việc trên khi muốn mua bán ngoại tệ, cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Địa điểm mua, bán ngoại tệ:
Điều 3 Thông tư 20/2011/TT-NHNN quy định về địa điểm mua, bán ngoại tệ, như sau:
- Việc mua ngoại tệ thực hiện tại các địa điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật.
- Việc bán ngoại tệ thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.
Như vậy, theo quy định trên chỉ các ngân hàng mới được cấp phép mua, bán, trao đổi, thực hiện các giao dịch về ngoại tệ. Cũng có một số ít tiệm vàng được phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo ủy quyền của ngân hàng nhưng cũng chỉ được mua vào ngoại tệ, không được bán ra.
Tuy nhiên, mọi người không cần quá lo lắng vì hiện nay, các điểm thu đổi ngoại tệ đã phủ sóng khắp cả nước với hơn 580 đại lý thu đổi ngoại tệ được cấp phép (tính đến 30/9).
Người dân có thể đến các ngân hàng thương mại, các chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch,... đều có chức năng thu đổi ngoại tệ để giao dịch mà không lo bị xử phạt.
LƯU Ý: Người dân có thể truy cập website của các tổ chức tín dụng để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp, và thực hiện mua, bán ngoại tệ tại các địa điểm này để không bị xử phạt. Các điểm thu đổi ngoại tệ hợp pháp đều treo biển bảng và giấy phép.
2. Hành vi vi phạm và mức xử phạt
Điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP, quy định: phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.
Theo đó, quy định không nêu rõ giá trị mua bán ngoại tệ là bao nhiêu, chỉ cần thực hiện giao dịch tại tổ chức không được phép thu ngoại tệ thì coi là vi phạm và tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt nặng hay nhẹ.
Tổ chức không được phép thu mua ngoại tệ thực hiện giao dịch hối đoái không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (theo điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP) có thể bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
3. Về giảm, miễn nộp tiền phạt
Khoản 1 Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
Quyết định phạt tiền có thể được hoãn thi hành trong trường hợp cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, […] và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.
Trường hợp cá nhân bị xử phạt không có khả năng thi hành quyết định thì theo Khoản 1 Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.
Như vậy, người vi phạm có thể được xem xét miễn, giảm nộp phạt nhưng phải làm đơn gửi đến cơ quan đã ra quyết định xử phạt.
4. Có nhận lại được tài sản bị tịch thu hay không?
Khoản 3 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cá nhân được giảm, miễn tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ.
Tóm lại, để bảo đảm quyền lợi khi mua, bán ngoại tệ, mọi người nên đến đúng địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ, không đem đi giao dịch tại các tiệm vàng hay trên thị trường chợ đen như hiện nay.
Trong vụ việc này, vẫn còn nhiều tranh luận về vấn đề "không ai được quyền không biết pháp luật". Trong một xã hội pháp trị, không ai được quyền viện dẫn mình không biết một quy định nào đó để lãng tránh trách nhiệm. Đổi 100 USD dù bị phạt đến hơn 40 lần giá trị (90 triệu đồng) vẫn không sai vì căn cứ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, không phải ai trong xã hội cũng có điều kiện tiếp cận pháp luật một cách đầy đủ, nhất là khi hành vi vi phạm còn rất phổ biến,dẫn đến việc không ít người xem đó là bình thường không vi phạm pháp luật.
Ý kiến của mọi người về vấn đề như thế nào?
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!