Chào cả nhà Dân Luật, Shin từng có bài viết về “Phân biệt hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô”, tuy nhiên, chưa thỏa mãn đam mê tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi nên hôm nay Shin lập ra topic này để cùng các bạn trao đổi, hy vọng rằng sau topic này Shin sẽ học được nhiều thứ.
Hai từ “Giao cấu” với “Dâm ô” được nhắc đến trong Điều 115 và Điều 116 Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 2015 (đang còn chỉnh sửa) nghe qua có vẻ mơ hồ, chưa thực sự cụ thể và tường minh. Cho đến thời điểm hiện nay, đã gần 20 năm đi vào thực tiễn áp dụng, nhưng vẫn chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn về hai khái niệm này.
Khái niệm về hành vi giao cấu được làm rõ chỉ thông qua Bản tổng kết của TANDTC số 329/HS2 ngày 11/5/1967 được nhiều luật sư, báo chí chia sẻ, tuy nhiên, khi nêu ra quan điểm để căn cứ thì liệu rằng Bản tổng kết của TANDTC có giá trị hay không bởi vì nó không phải là văn bản quy phạm pháp luật?
“Giao cấu: chỉ cần có sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không là tội Hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”
|
Bản tổng kết này đã được thực hiện năm 1967 thì liệu rằng đến nay nó có bị lỗi thời không? Và có được thay thế bằng một Bản tổng kết hay không?
Bởi chỉ khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa dương vật của người nam với bộ phận sinh dục của người nữ, mới được xem là giao cấu, còn tiếp xúc một cách gián tiếp thì không bị xem là phạm tội này?
Ví dụ người nam mang bao cao su để tiếp xúc dương vật của mình vào bộ phận sinh dục của người hoặc còn mặc đồ lót để tiếp xúc thì có bị xem là giao cấu không? Tất cả đều là tiếp xúc nhưng đó chỉ là cách gián tiếp, không phải trực tiếp.
Nếu chiếu theo Bản tổng kết trên để giải thích thì rõ ràng những trường hợp ví dụ nêu trên không phải là giao cấu???
Với lại trong bài viết trước đây, mình cũng từng trích dẫn phát biểu của ông Đỗ Văn Đương về hành vi này, nó lại mang tính rộng hơn so với Bản tổng kết nêu trên, đó là không chỉ xảy ra giữa người khác giới mà còn xảy ra giữa người đồng giới.
Vậy thì khi hiểu về tội giao cấu nên hiểu theo cái nào? Chỉ xảy ra giữa 2 người khác giới, trong đó nam giới luôn là chủ thể phạm tội hay là có thể xảy ra giữa 2 người đồng giới, khác giới và không phân biệt chủ thể là nam hay nữ?....
Còn hành vi dâm ô thì sao? Đâu đó có một số giải thích từ các luật sư, chuyên gia pháp lý…như sau:
Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.
|
Hoặc là:
Dâm ô là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác nhằm kích thích hoặc thỏa mãn tình dục, trừ hành vi giao cấu với chính người bị xúc phạm. Hành vi dâm ô bị coi là tội phạm khi đối tượng của hành vi này là trẻ em (người dưới 16 tuổi) và chủ thể là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi).
|
Tuy nhiên, theo lối mòn tư duy trước giờ của cơ quan xét xử thì người vi phạm luôn là nam giới, không phải là nữ giới, các bạn có thể xem tại đây. Trong khi rõ ràng câu chữ trong Bộ luật hình sự nêu thì khác, không kể ai, là nam hay là nữ.
Ví dụ: người nam (đã thành niên) có hành vi sờ mó, hôn hít vào bộ phận sinh dục của bé gái dưới 16 tuổi) thì bị cho là phạm tội, còn ngược lại, người nữ (đã thành niên) có hành vi tương tự với với bé trai có bị cho là phạm tội không?
Trên thực tế, theo văn hóa của người Việt, nhiều người lớn thường có sở thích nghịch vào bộ phận sinh dục của bé trai, bé gái, vậy thì đó có bị xem là sờ mó, hôn hít vào bộ phận sinh dục của các bé này không, còn có thỏa mãn dục vọng hay không thì khó có thể xác định được.
Như trước đây, ít có ai nghĩ đến chuyện này, và dường như xem nó là chuyện thường, nhưng mà từ vụ Minh béo, mọi người trở nên xem trọng vấn đề này hơn.
Rồi thêm nữa, có những hành vi trên thực tế, mình nghĩ có thể nó vi phạm trật tự an toàn xã hội, nhưng nghĩ qua nghĩ lại, không biết hành vi đó bị xử phạt gì, hành chính hay hình sự? Ai có quyền xử phạt, khi gặp trường hợp vậy nên báo với ai, chẳng hạn như: sờ ngực, bóp mông con gái, phụ nữ, đàn bà…các hành vi này có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật không?
Đã giải quyết cơ bản về cách hiểu giữa 2 tội “giao cấu” và “dâm ô” rồi, nhưng mà trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi quan hệ tình dục bằng miệng thì được xếp vào tội gì? Như vụ Minh Béo xảy ra tại Mỹ trong thời gian qua, giả sử như xảy ra ở Việt Nam hành vi đó đựơc xếp vào tội nào?
Giao cấu cũng không, bởi không có hành vi trực tiếp cọ sát giữa 2 bộ phận sinh dục của người nam với người nữ.
Dâm ô cũng không, bởi vì đây không phải là hành vi hôn hít, sờ mó…như trong giải thích nêu trên, cũng không phải không có ý định giao cấu với nạn nhân, vậy thì đó là tội gì? Có lẽ chỉ tại Điều 145 Bộ luật hình sự 2015, tuy nhiên, đến nay chúng vẫn chưa được áp dụng do đang còn sửa đổi, chỉ áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội.
Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
….
|