(PL)- Chính phủ vừa công bố lấy ý kiến dự thảo nghị định về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

Dự thảo nghị định này do Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế chủ trì soạn thảo.

Tại mục 3 Điều 13 dự thảo nêu: Người hành nghề khám, chữa bệnh phải đảm bảo thực hiện đúng chín nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc thứ năm quy định “Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước”. Chính điều này khiến dư luận trong hai ngày qua xôn xao vì nghĩ nghị định không cho phép bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện công được mở phòng mạch riêng.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết vấn đề trên không có gì thay đổi so với trước đây.

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì những bác sĩ công không được tham gia góp vốn, chỉ đạo điều hành các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã. Nhưng bác sĩ công vẫn được tham gia khám, chữa bệnh cho các cơ sở khác ngoài giờ hành chính với điều kiện một năm không quá 200 giờ làm việc theo quy định của Luật Lao động. Bác sĩ công vẫn được thành lập phòng mạch tư khám, chữa bệnh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, phòng khám chuyên khoa ngoài giờ.

“Theo quy định của Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh  dịch vụ khám chữa bệnh phải do Chính phủ quy định chứ các bộ không được quy định, do vậy vấn đề này phải được nâng lên thành nghị định. Nghị định quy định để tránh tình trạng các bộ vì các lợi ích riêng mà có quy định gây phiền hà cho doanh nghiệp. Quy định này cũng liên quan với Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức. Hiện Bộ Y tế đang xin ý kiến rộng rãi trong xã hội và các đối tượng bị tác động và hoàn thiện” - TS Quang giải thích.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết thêm: dự thảo tạo điều kiện cho bác sĩ y tế dự phòng tham gia khám, chữa bệnh ban đầu (hiện tại bác sĩ y tế dự phòng chưa được phép). Thậm chí là cho phép liên thông y tế công-tư, bác sĩ giỏi được sang tư nhân làm vì hiện bệnh viện tư có cơ sở vật chất tốt nhưng thiếu người...

DUY TÍNH