Người lao động yêu cầu mở thủ tục phá sản - Ảnh minh họa
Pháp luật tạo điều kiện cho người lao động thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, một trong số đó là quyền mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Vậy người lao động sẽ thực hiện quyền đó như thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản 2014 có quy định:
“2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”
Như vậy, căn cứ từ thời điểm người lao động bị nợ lương hoặc các khoản nợ khác, nếu sau 03 tháng doanh nghiệp vẫn chưa thể xử lý các khoản nợ trên thì người lao động hoàn toàn có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động, đại diện công đoàn quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật phá sản 2014 gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Ngày, tháng, năm;
- Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
- Tên, địa chỉ của người làm đơn;
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;
- Tổng số tiền lương và các khoản nợ khác đã đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả cho người lao động.
- Chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn.
- Ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp có đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Điều 8 Luật phá sản quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản, với những trường hợp sau thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
- Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
Xem hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết phá sản tại Điều 3 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 19/10/2020 05:26:11 CH