Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội hướng dẫn thí sinh đăng ký sơ tuyển

Chủ đề   RSS   
  • #488924 06/04/2018

    HuyenVuLS
    Top 150
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/07/2009
    Tổng số bài viết (575)
    Số điểm: 30523
    Cảm ơn: 131
    Được cảm ơn 800 lần
    SMod

    Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội hướng dẫn thí sinh đăng ký sơ tuyển

    Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-VKSTC ngày 26/02/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018; để công tác tuyển sinh bảo đảm chất lượng, hiệu quả, VKSND tối cao hướng dẫn công tác sơ tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội năm 2018 như sau:

    1. Thông báo việc sơ tuyển

    - Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có trách nhiệm đăng Thông báo sơ tuyển trên trang thông tin điện tử của Nhà trường và gửi Thông báo sơ tuyển đến các Sở Giáo dục và Đào tạo, VKSND cấp tỉnh để thông tin việc sơ tuyển. Thông báo sơ tuyển phải nêu rõ đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện sơ tuyển, phạm vi tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ dẫn địa chỉ lấy các mẫu giấy tờ…

    - VKSND cấp tỉnh sao gửi Hướng dẫn này và Thông báo sơ tuyển của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cho VKSND cấp huyện, chỉ đạo VKSND cấp huyện chuyển Thông báo sơ tuyển đến các cơ sở giáo dục bậc THPT trên địa bàn và đề nghị các đơn vị này niêm yết Thông báo sơ tuyển tại bảng tin của Nhà trường. Thành lập Ban sơ tuyển do đại diện Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh làm Trưởng Ban, đại diện Lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ VKSND cấp tỉnh làm Phó Trưởng ban.

    2. Hồ sơ đăng ký dự sơ tuyển

    - Đơn xin dự tuyển hoặc xét tuyển.

    - Lý lịch tự khai có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (được khai trong năm 2018); đóng dấu giáp lai ảnh và giữa các trang lý lịch.

    - Bản trích sao kết quả học tập (theo mẫu) đối với thí sinh đang học lớp 12 THPT hoặc THBT. Nếu thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2017 trở về trước thì phải nộp bản sao học bạ và bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

    - Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên cấp, trong thời hạn 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

    - 04 ảnh chân dung cỡ 4x6 cm.

    - Bản sao (có chứng thực) Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và bản sao (có chứng thực) Sổ hộ khẩu.

    - Phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ và số điện thoại của người nhận thư (để VKSND cấp tỉnh gửi thông báo thời gian, địa điểm sơ tuyển).

    Ghi chú: Mẫu hồ sơ dự sơ tuyển được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, địa chỉ: https://tks.edu.vn

    3. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự sơ tuyển và tổ chức sơ tuyển

    3.1. Đối với VKSND cấp huyện

    Viện trưởng VKSND cấp huyện chỉ đạo thực hiện:

    - Tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự sơ tuyển của thí sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn; thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 06/4/2018 đến hết ngày 10/5/2018; địa điểm tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở VKSND cấp huyện.

    - Kiểm tra, hướng dẫn thí sinh nộp đúng, đủ các tài liệu có trong hồ sơ theo quy định; thẩm tra sơ bộ lý lịch của thí sinh.

    - Thu lệ phí sơ tuyển 50.000 đồng/thí sinh và cấp giấy biên nhận nộp lệ phí sơ tuyển cho người đăng ký dự sơ tuyển. VKSND cấp huyện trích lệ phí thu được nộp về VKSND cấp tỉnh 30.000đồng/hồ sơ theo quy định.

    - Chuyển hồ sơ đăng ký dự sơ tuyển lên Phòng Tổ chức cán bộ VKSND cấp tỉnh ngay sau khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự sơ tuyển để VKSND cấp tỉnh tổ chức sơ tuyển.

    3.2. Đối với VKSND cấp tỉnh

    Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện:

    - Xây dựng kế hoạch tổ chức sơ tuyển. Trong đó, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh ấn định thời gian sơ tuyển (từ ngày 11/5/2018 đến hết ngày 31/5/2018) và địa điểm sơ tuyển cụ thể từng đợt tổ chức sơ tuyển (có thể tổ chức sơ tuyển tại trụ sở VKSND cấp tỉnh hoặc theo các cụm huyện trong tỉnh nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia sơ tuyển).

    - Giao VKSND cấp huyện nơi có thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự sơ tuyển hoặc trực tiếp thông báo cho thí sinh về thời gian, địa điểm sơ tuyển và các giấy tờ phải mang theo khi đi sơ tuyển (như Chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu) trước 05 ngày tính đến ngày tổ chức sơ tuyển.

    - Tổ chức sơ tuyển đối với những thí sinh đã đủ hồ sơ đăng ký dự sơ tuyển, với các nội dung sau:

    + Kiểm tra hồ sơ đăng ký dự sơ tuyển và con người cụ thể (Lưu ý: Chiều cao, cân nặng, hình thể phải bảo đảm đúng quy định) để đánh giá về người dự sơ tuyển theo các tiêu chí quy định tại mục 5.1 và 5.2 của văn bản này và ghi vào Phiếu sơ tuyển (Mẫu Phiếu sơ tuyển được đăng tải trên trang thông tin điện tử của VKSND tối cao, địa chỉ: vksndtc.gov.vn và của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, địa chỉ: https://tks.edu.vn ).

    + Phiếu sơ tuyển được lập thành 03 bản, có chữ ký của Trưởng Ban sơ tuyển và đóng dấu của VKSND cấp tỉnh đã sơ tuyển: 01 bản cấp cho thí sinh để nộp cùng hồ sơ xác nhận nhập học vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thông báo của Nhà trường (nếu thí sinh trúng tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội); 01 bản gửi về Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và 01 bản lưu tại VKSND cấp tỉnh. (Lưu ý: VKSND cấp tỉnh cấp Phiếu sơ tuyển cho tất cả những thí sinh đã tham gia sơ tuyển, kể cả những thí sinh không đạt yêu cầu về sơ tuyển).

    + Ngay sau khi kết thúc việc sơ tuyển, VKSND cấp tỉnh gửi danh sách những thí sinh đã được sơ tuyển và danh sách thí sinh đạt yêu cầu về sơ tuyển (bao gồm cả bản mềm) về Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (theo địa chỉ: Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; email: phongdaotaodhkshn@gmail.com) và VKSND tối cao (theo địa chỉ: Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao, số 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội; email: phongquanlydaotaov15@gmail.com) trước ngày 15/6/2018.

    4. Công tác kiểm tra và hậu kiểm đối với việc sơ tuyển

    - Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao chủ trì và phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao thành lập các Đoàn kiểm tra công tác sơ tuyển tại một số VKSND địa phương.

    - Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có trách nhiệm thực hiện công tác hậu kiểm đối với những thí sinh trúng tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Nếu có thí sinh đạt sơ tuyển, nhưng qua công tác hậu kiểm phát hiện không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại mục 5.1 và 5.2 của Hướng dẫn này thì không được công nhận trúng tuyển và không được vào học tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Trong trường hợp này, Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả sơ tuyển trước đó của thí sinh tại địa phương.  

    5. Thông tin tuyển sinh

    5.1. Đối tượng tuyển sinh

    Thí sinh dự tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là người đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (kể cả xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển), là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đáp ứng yêu cầu về sơ tuyển theo quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

    5.2. Điều kiện dự tuyển sinh

    - Là công dân Việt Nam, có lịch sử chính trị rõ ràng, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc vợ/chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án (trừ các vi phạm pháp luật hình sự về giao thông); không quá 25 tuổi, tính đến năm dự thi.

    - Đã tốt nghiệp THPT; kết quả học tập lớp 10, 11 đạt từ loại trung bình trở lên, lớp 12 đạt học lực từ loại khá trở lên; hạnh kiểm được xếp loại khá hoặc tốt trong các năm học THPT. Đối với thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2017-2018 thì lấy kết quả học tập các năm học lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12.

    - Phải có đủ sức khỏe để học tập, công tác và phải đáp ứng các tiêu chí sau:

    + Nam giới có chiều cao 1,60m trở lên, cân nặng 50 kg trở lên; nữ giới có chiều cao từ 1,55m trở lên, cân nặng từ 45 kg trở lên.

    + Không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.

    5.3. Chỉ tiêu tuyển sinh

    Năm 2018 Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ tuyển sinh 300 chỉ tiêu đại học hệ chính quy, ngành luật; việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể như sau:

    - Chỉ tiêu theo khu vực: Khu vực các tỉnh phía Bắc từ tỉnh Quảng Bình trở ra: 150 chỉ tiêu; khu vực các tỉnh phía Nam từ tỉnh Quảng Trị trở vào: 150 chỉ tiêu.

    - Chỉ tiêu theo tổ hợp môn và phân môn xét tuyển: Tổ hợp 1 là 25% chỉ tiêu, tổ hợp 2 là 25% chỉ tiêu, tổ hợp 3 là 25% chỉ tiêu, tổ hợp 4 là 25% chỉ tiêu. Chỉ tiêu này được phân bổ cho từng khu vực (phía Nam, phía Bắc), nam, nữ.

    - Chỉ tiêu tuyển sinh đối với nữ: Không quá 120 chỉ tiêu. Không hạn chế tỷ lệ nữ sơ tuyển và đăng ký dự tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

    - Chỉ tiêu xét tuyển thẳng là 04 chỉ tiêu; chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển là 08 chỉ tiêu (Chi tiết xem tại Đề án tuyển sinh đại học năm 2018 được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, địa chỉ: https://tks.edu.vn).

    5.4. Các tổ hợp xét tuyển

    - Tổ hợp 1 (A00): Toán, Vật lý, Hóa học.

    - Tổ hợp 2 (A01): Toán, Tiếng Anh, Vật lý.

    - Tổ hợp 3 (C00): Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

    - Tổ hợp 4 (D01): Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán.

    Trên đây là Hướng dẫn công tác sơ tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội năm 2018, đề nghị Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thời gian, chất lượng và hiệu quả của công tác sơ tuyển. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị liên hệ với Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (điện thoại: 0433.581.280+207 hoặc 0433.581.500) hoặc Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao, điện thoại 0483.255.058 (số máy lẻ 402 hoặc 432) để thống nhất, giải quyết./.

     
    2080 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận