Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người khác quản lý. Mức xử lý hình sự đối với loại tội phạm tùy thuộc vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, các tình tiết thực hiện và được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017, cụ thể là Điều 173.
Tội cướp tài sản là một người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Mức xử lý cũng tùy thuộc vào giá trị tài sản và hành vi thực hiện tội phạm.
Thoạt đầu nghe thì hai loại tội phạm này có vẻ rất dễ để phân biệt tuy nhiên có một số tình huống khiến nhập nhèm giữa hai loại tội phạm này và trên thực tế, có những Tòa án đưa ra các quyết định khác nhau đối với cùng một hành vi tương tự đối với hai tội phạm này.
Ví dụ cụ thể, tình huống một người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, khi bị chủ tài sản phát hiện thì người này đã xảy ra ẩu đả với chủ tài sản và sau đó đã tẩu thoát được. Như vậy, tên tội phạm này thuộc trường hợp hành hung để tẩu thoát theo điểm đ khoản 2 Điều 173 về Tội trộm cắp tài sản hay hành vi dùng vũ lực của Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017)?
Việc nhận diện tội phạm trong tình huống này phụ thuộc vào mục đích của hành vi ẩu đã. Nếu như tên tội phạm khi bị phát hiện đã bỏ lại tài sản để tháo chạy và bị chủ tài sản chặn lại và sau đó đã có hành vi hành hung thì sẽ là hành vi hành hung để tẩu thoát của tội Trộm cắp tài sản. Trong trường hợp bị phát hiện, tên trộm vẫn cố tình giữ tài sản và chủ tài sản đã đánh nhau để giành lại tài sản đó thì lúc đó, tên trộm không còn thuộc tội Trộm cắp tài sản nữa mà chuyển thành tội dùng vũ lực để cướp bằng được tài sản đó.
Trên đây là quan điểm riêng của mình, nếu có ý kiến khác hãy để lại tại phần bình luận phía dưới nhé.