Hiện nay, vấn nạn "chạy chọt": chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy biên chế,… đã trở thành thực trạng không còn xa lạ mà việc ngăn chặn hay đẩy lùi (chống “chạy”) là cuộc chiến đầy cam go, dường như là điều vô cùng nan giải.
Thời gian này đang là thời điểm tốt nghiệp của nhiều trường cao đẳng, đại học. Mỗi năm lại có thêm hàng trăm ngàn sinh viên ra trường, trong khi đó, nhu cầu tuyển người luôn có giới hạn. Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hóa hiện nay, để có được việc làm luôn là áp lực đối với sinh viên, thậm chí ngay cả với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Từ đó dẫn đến hiện trạng mhiều sinh viên mới ra trường để có được một việc làm là phải chạy bằng tiền.
Vậy, chiếu theo quy định pháp luật thì hành vi “chạy việc” trên có là vi phạm không? Sẽ bị xử lý như thế nào?
1- Hiệu lực của giao dịch đưa, nhận tiền “chạy việc”
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. và theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự phải đảm bảo như sau:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Giao dịch giữa bên đưa tiền và bên nhận tiền để “chạy việc” được thực hiện hoàn toàn do sự tự nguyện, thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, nhìn về khía cạnh mục đích và nội dung giao dịch thì việc nhận tiền "chạy việc" lại là hành vi trái pháp luật, vi phạm điều cấm; do đó giao dịch trên bị coi là vô hiệu.
2- Hậu quả pháp lý của giao dịch “chạy việc”
Hậu quả vô hiệu sẽ được thực hiện theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Như vậy, người nhận tiền sẽ phải trả lại số tiền đã nhận. Trường hợp bên chạy việc không trả lại tiền, thì bên đưa tiền để xin việc có thể khởi kiện vụ án dân sự (kèm theo chứng cứ chứng mình việc giao nhận...) để đòi lại khoản tiền.
3- Xử lý trách nhiệm pháp lý
>>>Người nhận tiền chạy việc
Tùy thuộc vào tình tiết trên thực tế còn có thể xác định hành vi của người nhận tiền để “chạy việc” có cấu thành tội phạm hay chỉ là hành vi vi phạm pháp luật dân sự:
+ Trường hợp thực tế người nhận tiền không có khả năng xin được việc mà chỉ đưa ra những thông tin gian dối, giả tạo như hứa hẹn, cam kết, khẳng định… nhằm mục đích để nhận tiền rồi chiếm đoạt thì hành vi đó đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự 2015)
+ Trong trường hợp bên nhận tiền để “chạy việc” không có mục đích ban đầu mà sau khi có được số tiền đó do hoàn cảnh khách quan mà không xin được việc rồi mới nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền đó, không trả lại thì có thể phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật Hình sự).
+ Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để tiến hành “chạy việc” theo yêu cầu/lợi ích của người đưa thì có thể cấu thành tội Nhận hối lộ (Điều 354)
>>>Người đưa tiền chạy việc
Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn tiến hành “chạy việc” yêu cầu thì có thể cấu thành tội Đưa hối lộ (Điều 364).