Trách nhiệm pháp lý khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Chủ đề   RSS   
  • #503732 01/10/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Trách nhiệm pháp lý khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

    Theo pháp luật hiện hành, có những quy định nào bảo vệ quyền lợi của người lao động khi công ty nợ bảo hiểm xã hội và công ty sẽ chịu trách nhiệm gì, như thế nào khi nợ bảo hiểm xã hội?

     

    QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

    - Thứ nhất, theo quy định tại Mục 2 Công văn 2266/BHXH-BT về việc giải quyết vướng mắc về thu, xác nhận sổ BHXH:

    a) Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động.

    Như vậy, khi công ty nợ BHXH mà người lao động có nhu cầu chuyển nơi làm việc và tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới thì tới khi thu hồi được khoản nợ của doang nghiệp, người lao động sẽ được xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH.

    - Thứ hai, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động có thể khởi kiện ra tòa để đảo bảo quyền lợi khi công ty nợ BHXH người lao động. 

    Và theo nguyên tắc thì để khởi kiện doanh nghiệp, người lao động phải có giấy ủy quyền gửi Công đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở ủy quyền cho Công đoàn cấp trên mới có thể tiến hành khởi kiện. Thực tiễn quy định này lại là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả. Vì khó khăn trong việc ủy quyển khi mà số lượng người lao động cần phải ủy quyền trong doanh nghiệp thường rất đông. Và thực tế hiện nay ở nhiều nơi có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm.

    Thiết nghĩ, trong khi chờ đồng bộ hệ thống pháp luật, để khắc phục “khoảng trống” của các quy định không hiệu quả trong công tác ủy quyền khởi kiện của người lao động thì trước mắt cần cho phép công đoàn cấp trên được phép khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội để “gỡ” khó cho việc ủy quyền khởi kiện cho tổ chức công đoàn.

    TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP NỢ
    Trách nhiệm hành chính

    Đối với hành vi không đóng bảo hiểm xã hội, chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp thì có thể sẽ  bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 88/2015 NĐ-CP) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội…. như sau:

    "2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

    a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

    b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

    c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

    3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

    4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

    b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này."

    Trách nhiệm hình sự
    Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 01-01-2018 đã có bổ sung thêm một tội danh về các hành vi vi phạm nợ BHXH bắt buộc coi như là tội phạm, cụ thể là Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao độngđược quy định tại Điều 216 BLHS 2015:

    Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

    1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

    a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

    b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

    5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

    a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

    b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

    c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.


     

     

     

     

     
    4177 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận