“Hãy đối xử với từng bài thơ và từng người làm thơ như đối xử với từng sản phẩm và từng nhà sản xuất cụ thể” - Nguyễn Thế Hoàng Linh chia sẻ
Tiền đang đến dần
- Trong suốt 15 năm qua, anh chỉ có một nghề: làm thơ?
- Tôi cũng làm nhiều việc khác nữa chứ. Nhưng đúng là chủ yếu là viết. Tôi nghĩ thơ là một người bạn để khám phá bản thân mình; một trò chơi sáng tạo cần nhiều năng lực như bất kỳ hoạt động sáng tạo nào khác; và một sản phẩm có thể bán để có tiền sống, sáng tác nhiều hơn.
- Nhưng bán thơ thì được bao nhiêu tiền?
- Hiện tại thì được rất ít nhưng tôi nghĩ tiền đang đến dần. Ngày càng có thêm người thích thú và bị thuyết phục bởi chất lượng của các tác phẩm.
Chân dung Nguyễn Thế Hoàng Linh do Đào Quang Huy vẽ
- Anh có nghĩ là sẽ có rất nhiều người yêu thơ nói riêng và yêu nghệ thuật nói chung không đồng tình với việc anh coi thơ như một sản phẩm và coi công chúng như một thị trường?
- Tôi nhìn thơ về đúng bản chất của sản phẩm cũng chỉ để những bài thơ hay và người làm nó được đối xử tử tế hơn. Cái tư duy thơ như một sản phẩm có từ rất lâu rồi, kể cả ở Việt Nam. Hãy đối xử với từng bài thơ và từng người làm thơ như đối xử với từng sản phẩm và từng nhà sản xuất cụ thể. Bạn đâu có nhầm lẫn và đánh đồng nước lã với sữa, coca, cà phê hay whiskey.
Về mặt sản phẩm, khi bạn không coi rẻ giá trị tinh thần của các tác phẩm thì sau khi đã hoàn thành, nên coi đó là một sản phẩm có thể bán.
- Có ngụy biện quá không, hình như anh hơi đánh đồng một sản phẩm vật chất như cà phê và một sản phẩm tinh thần như thơ?
- Tôi có một bài thơ phỏng Haikư: “một bài thơ làm sướng/bằng bát mỳ/là hay”.
Thích hơn nữa thì càng hay. Bên cạnh đồng tiền trả cho các tác giả, các giá trị thặng dư vẫn nằm đó. Đó là cái người đọc lãi. Giống như bạn uống trà đá, có một vài nghìn một cốc nhưng cái vị trà ngon, không gian ngồi lê la phường phố là thứ văn hóa vô giá bạn được hưởng.
- Nếu vậy thì có thể tạo ra công thức cho thơ như làm món ăn. Phần thặng dư là gia vị?
- Có hai cách để tạo ra cảm giác hạnh phúc cho người mua sản phẩm của mình. Một là tạo ra một tác phẩm đẹp, mình thực sự dụng công để làm ra nó. Hai là cài cắm các keyword, ví dụ như trong các bài thơ tuyên truyền này kia, họ biết về phản xạ có điều kiện của người đọc khi nhìn thấy các từ khóa.
Tôi cố gắng theo hướng thứ nhất. Tôi hiểu khi nào họ cảm thấy hạnh phúc nhờ keyword, khi nào họ cảm thấy hạnh phúc vì điều còn lại, nên tôi rất thoải mái với việc bán tác phẩm của mình. Đó là sự tự tin vào chất lượng như người bán đồ ăn phải có trách nhiệm tự tin vào cái ngon của chính thực phẩm hơn là các gia giảm độc hại đánh lừa vị giác.
Tôi viết thơ như giải toán
Một tác phẩm của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Đào Quang Huy vẽ)
- Không phải tự nhiên tôi đặt câu hỏi về thị trường như thế, vì nó mang tính thời điểm. Thơ là nghệ thuật nguyên thủy như thế, vậy mà bây giờ…
- Chúng ta đang bị rối loạn trong quá nhiều định kiến và quan niệm quá tách biệt với thơ. Rối ngay cả trong người sáng tác.
Đối với việc này thì tôi hoặc cố gắng, hoặc tự nhiên, mình (muốn) sống (giản dị) thế nào thì mình viết thế ấy. Trong con người tôi có một phần thấy những giới hạn, những tuyệt vọng về tương lai, nhưng phần kia lại mặc kệ, lại ham muốn cuộc sống tốt hơn, vui hơn. Đó là lí do mà tôi thấy việc đẩy những sáng tác “nguyên thủy” thành một phần của thị trường là hoàn toàn đúng đắn. Tôi bắt chước người xưa từng góp vui, góp tốt cho cuộc sống bằng sự tự nhiên và giản dị của ca dao, tục ngữ. Giờ thì dân gian biến thành thị trường. Hình thức khác đi một tí thôi mà.
- … bằng cách nào?
- Khi viết, tôi tự xử lý các vấn đề của mình. Tôi thấy người khác cũng có những vấn đề như thế. Tất nhiên không phải vấn đề nào của tôi người khác cũng gặp phải hoặc ngược lại, nhưng như đã nói, ở mỗi tầng thang bậc trong tác phẩm của mình, sẽ có người đồng cảm.
Tôi viết thơ giống như giải một bài toán. Người làm toán khó mà tìm ra được cách giải hay, bạn cũng thấy vẻ đẹp trong đó. Mình giải một bài toán về tinh thần, có người đọc cách giải của mình thì không hiểu gì cả, nhưng có người đọc xong lại thấy sung sướng.
Đó là lí do mình thấy có nhiều sản phẩm của mình dễ bán.
- Phải có lí do gì thú vị hơn nữa chứ. Không thì nhà thơ thành con buôn hay bác sỹ tâm lí mất?
- Nếu tôi bán được nhiều thơ, tức là có thêm người tiếp cận với tác phẩm tốt cho thẩm mỹ và sau đó đến hành vi của họ. Đây không phải là những tác phẩm mang tính giáo dục, mà là một thẩm mỹ đã được hình thành và luyện tập một cách khá thoải mái, tự do. Tôi muốn chia sẻ sự thoải mái, tự do và những ngẫm nghĩ quanh đó.
- Có vẻ anh rất tin vào công chúng. Nhưng công chúng Việt Nam có rất nhiều điểm đặc biệt đấy…
- Bao giờ công chúng cũng giống như tác phẩm, luôn chia thành rất nhiều tầng bậc. Tôi rất tin vào tiềm năng của công chúng. Ngay từ hồi đầu đưa tác phẩm lên mạng năm 2002, tôi đã có khá nhiều độc giả với phần thơ giản dị rồi. Tuy vậy, dù công chúng Việt Nam rất nhiều thì việc họ trả tiền cho tác phẩm lại là một việc khác. Cái khó chủ yếu chỉ là trả tiền thôi, và tôi thử tiếp từ hồi đó đến giờ. Quá trình mình làm vướng vào nhiều định kiến về thơ thú vị phết.
- Ví dụ?
- Trước kia, qua các nhà sách, tập thơ nào của tôi bán cũng hết sạch, nhưng họ coi thơ của tôi là một cái gì làm cho sang nhà sách (thời buổi này còn dám xuất bản thơ) hơn là một kho sản phẩm để đầu tư có lãi. Dù bán được hết thì tiền thu về vẫn rất thấp, vì họ đề giá rất rẻ, ví dụ quyển “Lẽ giản đơn” 16 ngàn, quyển “Hở” 30 ngàn, trả cho tác giả 10%. Tác giả không có mấy tiền công, trong khi, rất nhiều độc giả kêu là không mua được sách.
- Khó khăn vậy thì bao giờ anh mới có tiền như anh nghĩ?
- Lần này, tôi tự phát hành quyển “Mật thư” qua Facebook, một số trang bán sách trực tuyến và các quán cafe, cửa hàng, hiệu sách. Để ai cần đều có sách đến tay.
Có lẽ cuốn “Mật thư” này chỉ vài tháng nữa là bán rất được. Còn nhiều cuốn khác nữa đang chờ có tiền để ra mắt.
Để xem như thế nào.
- Hy vọng là sẽ rất thuận lợi. Xin cảm ơn anh!
Linh Hanyi