Tổng hợp những nội dung nổi bật tại phiên họp Chính phủ thường kỳ 05/2024

Chủ đề   RSS   
  • #612402 06/06/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1250)
    Số điểm: 22396
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 440 lần
    SMod

    Tổng hợp những nội dung nổi bật tại phiên họp Chính phủ thường kỳ 05/2024

    Ngày 05/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính Phủ tháng 05/2024. Theo đó, tại Nghị quyết có những nội dung đáng chú ý như sau.

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/06/nghi-quyet-82.pdf Nghị quyết 82/NQ-CP

    Xem thêm: Quy định 148-QĐ/TW: 05 căn cứ để tạm đình chỉ công tác cán bộ trong trường hợp cần thiết

    Toàn bộ những điều cần biết khi vay ngân hàng mua nhà năm 2024

    (1) Đã có quỹ 680 nghìn tỷ để cải cách tiền lương từ 01/7/2024

    Cụ thể, tại Mục I Nghị quyết 82/NQ-CP, Chính phủ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024. Tại đây nêu rõ đã tiết kiệm được 680 nghìn tỷ đồng để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024. 

    Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính,LĐ-TB&XH khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng và trợ cấp xã hội.

    Theo đó, đề xuất thực hiện cải cách tiền lương có lộ trình phù hợp, khả thi, hiệu quả; bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa giữa các đối tượng, ổn định, không xáo trộn lớn. 

    Đối với Ủy ban Dân tộc, đơn vì này được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương trình Thủ tướng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

    (2) Sẽ phát hành 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư công trình trọng điểm quốc gia.

    Cụ thể, tại nội dung chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính. Nghị quyết 82/NQ-CP nêu rõ, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể:

    - Phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo 231/TB-VPCP

    - Thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; tập trung xử lý nợ đọng thuế, chống thất thu thuế, nhất là đối với dịch vụ ăn uống, nhà hàng, giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài… 

    - Cương quyết và triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền tiếp tục giảm các khoản thu phí, lệ phí áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2024.

    - Trình Chính phủ xem xét, ban hành quy định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, tiền thuê đất và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

    - Đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành quy định về việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo chỉ đạo tại Nghị quyết 44/NQ-CP

    - Thúc đẩy và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp từ đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

    - Khẩn trương xử lý các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng các tiêu chí, sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi theo lộ trình đề ra. 

    - Phối hợp chặt chẽ với NHNN Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/6/2024.

    (3) Hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã giai đoạn 2023 - 2025 trước ngày 30/9

    Cụ thể, tại Nghị quyết 82/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/9/2024 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ngoài ra:

    - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Có biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, thức ăn đường phố; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. 

    - Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Tập trung rà soát, kiểm tra ngay việc thực hiện PCCC đối với các cơ sở kinh doanh, cho thuê trọ, chung cư mini, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. 

    Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức rà soát các quy định của pháp luật và điều kiện về PCCC, kiểm tra, phân loại, có giải pháp về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở cho thuê trọ, chung cư mini, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cứu nạn, cứu hộ cho người dân, nhất là các cơ sở, địa điểm có nguy cơ cháy, nổ cao.

    (4) Trình Chính phủ Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư

    Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư. 

    Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2024.

    (5) Giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1 đến 2%

    Cụ thể, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. 

    Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt khoảng 15%.

    Chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%.

    Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng, có chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức tín dụng không thực hiện. 

    Tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

    (6) Làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội. 

    Theo đó, khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương...

    Bộ Xây dựng phối hợp với NHNN quyết liệt thúc đẩy tiến độ triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Thường xuyên giám sát, đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội năm 2024 được giao.

    Chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tổng thể, toàn diện, đầy đủ các chính sách, chương trình hỗ trợ về nhà ở hiện hành để hoàn thiện các chính sách phù hợp với mục tiêu, đối tượng, sát thực tiễn, đặc trưng, đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng, miền.

    (7) Giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm ngay trong tháng 06/2024

    Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ TN&MT, UBND các địa phương có liên quan tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết dứt điểm trong tháng 06/2024 đối với nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực. Bên cạnh đó, thực hiện những nội dung như sau:

    - Tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tuyệt đối không để thiếu điện, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. 

    - Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào (Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum - Nông Cống, đường dây 500kV Monsoon - Thạch Mỹ…). 

    - Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng và các công việc liên quan khác, bảo đảm hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 (519 km) từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trước ngày 30/6/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

    - Kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, không làm hết trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Bộ NN&PTNN, Bộ TN&MT phải chủ động tiến hành kiểm tra tại 9 địa phương liên quan và xử lý trước ngày 10/6/2024

    - Khẩn trương triển khai các chính sách đã ban hành, rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách và bố trí nguồn lực; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thí điểm, giải pháp mới hiệu quả, thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài.

     
    2104 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận