Tính liên tục của thời hiệu và các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện?

Chủ đề   RSS   
  • #615465 21/08/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12199
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 209 lần


    Tính liên tục của thời hiệu và các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện?

    Quy định pháp luật về thời hiệu, thời điểm bắt đấu tính thời hiệu? Tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự cũng như miễn trừ nghĩa vụ dân sự? Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện?

    Quy định về thời hiệu và bắt đấu tính thời hiệu?

    Khái niệm về thời hiệu được quy định tại Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”.

    Về nguyên tắc, Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

    Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

    Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được quy định tại Điều 154 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung như sau:

    - Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    - Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự?

    Tính liên tục của thời hiệu được quy định tại Điều 153 Bộ luật Dân sự 2015:

    - Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt.

    - Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:

    +) Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;

    +) Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

    - Thời hiệu cũng được tính liên tục trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác.

    Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp phát sinh sự cố làm ảnh hưởng đến tính liên tục của thời hiệu, thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

    - Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

    - Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

    - Các bên đã tự hòa giải với nhau.

    Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện?

    Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện sẽ không được áp dụng trong trường hợp sau đây:

    - Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.

    - Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

    - Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

    - Trường hợp khác do luật quy định.

     
    53 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận