Thanh tra là một hoạt động hành chính thực hiện công việc kiểm tra, kiểm soát công việc của các cơ quan chuyên ngành nhà nước. Theo đó, thanh tra viên phải đáp ứng nhiều tố chất và tiêu chuẩn.
Hiện nay, Luật Thanh tra 2022 vừa mới Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2023 quy định chủ yếu về các hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra các cấp và đối tượng thanh tra. Trong đó, thanh tra viên muốn được bổ nhiệm phải đáp ứng tiêu chuẩn sau:
1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm thanh tra viên
Cụ thể tại Điều 39 Luật Thanh tra 2022 quy định một số tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên đối với các đối tượng là công chức, sĩ quan QĐND, sĩ quan CAND, người làm công tác cơ yếu.
Trừ trường hợp Chính phủ quy định khác đối với Thanh tra viên của cơ quan thanh tra được thành lập theo quy định của luật hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Thanh tra 2022.
Thứ nhất: Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.
Thứ hai: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kiến thức quản lý nhà nước và am hiểu pháp luật; đối với Thanh tra viên trong lĩnh vực chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó.
Thứ ba: Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ tư: Có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra không kể thời gian tập sự hoặc có ít nhất 05 năm công tác trở lên đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan QĐND, sĩ quan CAND, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra.
Do đó, để được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên thì người đó phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, bằng cấp lĩnh vực chuyên môn, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ và cuối cùng là có thời gian công tác phù hợp ở vị trí khác chuyển qua.
2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm thanh tra viên chính
Trường hợp để thanh tra viên được bổ nhiệm xét làm thanh tra viên chính phải đáp ứng các tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính tại Điều 40 Luật Thanh tra 2022 như sau:
- Thanh tra viên chính phải đáp ứng được tiêu chuẩn bổ nhiệm của ngạch trở thành thanh tra viên.
- Đồng thời, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
- Đặc biệt phải có thời gian công tác tối thiểu là 09 năm.
- Trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ thanh tra viên lên thanh tra viên chính hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm thanh tra viên cao cấp
Đối với thanh tra viên cao cấp thì người được bổ nhiệm phải đáp ứng tiêu chuẩn cao và khó hơn. Cụ thể tại Điều 41 Luật Thanh tra 2022 quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp như sau:
- Đáp ứng các tiêu chuẩn bổ nhiệm của ngạch trở thành thanh tra viên.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
- Có thời gian giữ ngạch thanh tra viên chính hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm.
- Trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ thanh tra viên chính lên thanh tra viên cao cấp hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
4. Nhiệm vụ của thanh tra viên
Thanh tra viên là một chức vụ quan trọng nhất là đối với những cơ quan chuyên ngành đòi hỏi người thanh tra phải có kiến thức vững mới có thể thực nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Theo Điều 38 Luật Thanh tra 2022 thanh tra viên được giao nhiệm vụ chuyên ngành quy định như sau:
Thanh tra viên là người được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.
Ngạch thanh tra viên bao gồm:
- Thanh tra viên.
- Thanh tra viên chính.
- Thanh tra viên cao cấp.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải là công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trừ trường hợp là viên chức ở cơ quan thuộc Chính phủ.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chuyên ngành, am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ thanh tra và có ít nhất 01 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, không kể thời gian tập sự.
Phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
5. Trang phục và thẻ thanh tra viên
Theo quy định thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra theo quy định của Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Các trang phục này phải phù hợp với chuyên ngành và cấp thẻ ghi thông tin của thanh tra đó.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được cấp trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Như vậy, thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn được quy định cụ thể đối với từng ngạch để đáp ứng được nhiệm vụ của ngành.