Thủ tục đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình

Chủ đề   RSS   
  • #608977 01/03/2024

    Thủ tục đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình

    Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình là cơ sở do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để cung cấp một hoặc một số dịch vụ trợ giúp về phòng chống bạo lực gia đình.
     
    Và hiện nay điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình được quy định chi tiết tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, Nghị định 76/2023/NĐ-CP như sau:
     
    Cách hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
     
    Căn cứ khoản 1 Điều 40 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 quy định cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình cung cấp một hoặc một số dịch vụ sau:
     
    - Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình;
     
    - Nơi tạm lánh và nhu cầu thiết yếu khác cho người bị bạo lực gia đình;
     
    - Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình;
     
    - Chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh lý về tâm thần cho người bị bạo lực gia đình;
     
    - Hoạt động khác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
     
    Điều kiện thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
     
    Căn cứ khoản 2 Điều 40 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
     
    - Người đứng đầu cơ sở có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo liên quan đến dịch vụ đăng ký tham gia cung cấp, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình;
     
    - Nhân viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hoặc cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức;
     
    - Trường hợp cơ sở cung cấp nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình hoặc cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi phải có cơ sở vật chất và địa điểm bảo đảm yêu cầu.
     
    Trong đó điều kiện về người đứng đầu cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình được quy định chi tiết tại Điều 24 Nghị định 76/2023/NĐ-CP:
     
    - Năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình được quy định như sau:
     
    + Có đủ sức khỏe được cơ sở y tế có thẩm quyền kết luận theo quy định của pháp luật về khám sức khỏe;
     
    + Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.
     
    - Trình độ từ đại học trở lên về ngành, nhóm ngành, lĩnh vực đào tạo liên quan đến dịch vụ đăng ký tham gia cung cấp được quy định như sau:
     
    + Đối với cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình: Người đứng đầu cơ sở có bằng đại học trở lên về ngành đào tạo giáo viên; ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; tâm lý học; pháp luật; xã hội học; công tác xã hội;
     
    + Đối với cơ sở cung cấp dịch vụ nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình: Người đứng đầu cơ sở có trình độ đại học trở lên;
     
    + Đối với cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình: Người đứng đầu cơ sở có trình độ đại học trở lên về ngành đào tạo giáo viên; ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; tâm lý học; pháp luật; công tác xã hội;
     
    + Đối với cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh lý về tâm thần cho người bị bạo lực gia đình: Người đứng đầu cơ sở có trình độ đại học trở lên về ngành đào tạo giáo viên; ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; tâm lý học; xã hội học; công tác xã hội;
     
    + Đối với cơ sở cung cấp dịch vụ khác liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình: Người đứng đầu cơ sở có trình độ đại học trở lên về ngành, nhóm ngành, lĩnh vực phù hợp với dịch vụ cung cấp.
     
    Trình tự đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình
     
    Căn cứ Điều 28 Nghị định 76/2023/NĐ-CP thì trình tự cấp lần đầu giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
     
    Về hồ sơ bao gồm:
     
    - Đơn đề nghị cấp lần đầu giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình theo Mẫu số 15 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP;
     
    - Dự thảo quy chế hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình;
     
    - Bảng giá dịch vụ (nếu có);
     
    - Yêu cầu hồ sơ của người đứng đầu: 
     
    (1) Giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám sức khỏe; 
     
    (2) Bản sao có công chứng, chứng thực bằng tốt nghiệp đại học trở lên về ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến dịch vụ đăng ký tham gia cung cấp; 
     
    (3) Bản sao có công chứng, chứng thực các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận khác có liên quan đến dịch vụ đăng ký thành lập cơ sở; 
     
    (4) Bản cam kết chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình theo Mẫu số 16 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP;
     
    - Yêu cầu hồ sơ của nhân viên trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình: 
     
    (1) Giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám sức khỏe; 
     
    (2) Bản sao có công chứng, chứng thực bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; 
     
    (3) Bản sao có công chứng, chứng thực các văn bằng có liên quan đến dịch vụ dự kiến cung cấp; 
     
    (4) Bản sao có công chứng, chứng thực giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình;
     
    Nộp hồ sơ tại cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình gửi trực tiếp hoặc bưu chính hoặc điện tử một (01) bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở để đề nghị cấp lần đầu giấy chứng nhận đăng ký thành lập. Trường hợp gửi điện tử, thành phần hồ sơ như gửi trực tiếp được chụp (từ bản gốc) hoặc bản định dạng PDF có ký số. Tên văn bản được đặt tương ứng với tên giấy tờ, tài liệu gửi kèm.
     
    Về trình tự xử lý hồ sơ:
     
    - Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ để hoàn thiện;
     
    - Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp lần đầu giấy chứng nhận cho cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình theo Mẫu số 17 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 76/2023/NĐ-CP. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giấy chứng nhận được gửi trực tiếp hoặc bưu chính hoặc điện tử theo địa chỉ đăng ký của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ. Trường hợp gửi điện tử, giấy chứng nhận được định dạng PDF có ký số.
     
    Theo đó hiện nay việc đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện theo quy trình nêu trên.
     
    192 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận