Truyền thông đại chúng đang ngày càng phát triển, sự phát triển đó mang lại cho người dân khá nhiều những lợi ích. Mọi thông tin trong và ngoài nước nhanh chóng được cung cấp cho mọi người. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích đó thì cũng đã có không ít những sự vụ đăng tin, đăng bài sai sự thật, thông tin không được kiểm chứng gây ra những tổn thất không nhỏ cho xã hội.
Ngày 3-5-2016, chương trình “Cà phê sáng với VTV3” phát sóng phóng sự “Cây chổi quét rau” sai sự thật đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với việc tiêu thụ sản phẩm rau sạch của người dân. Hay như, những ngày gần đây thông tin các sản phẩm xúc xích Viet Foods có Natri Nitrat INS 251 (Sodium Nitrat) là chất cấm, chất gây ung thư, không được Bộ Y tế cho phép lưu hành.
Mặc dù, sau đó Đài truyền hình Việt Nam đã bị xử phạt 50 triệu đồng và buộc phải cải chính xin lỗi. Hay cơ sở kinh doanh thực phẩm Việt (Viet Foods) đã trưng bày kết luận của Cục An toàn thực phẩm Nitrat 251 được dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, đồng thời công bố Quyết đinh của đội 14 về việc trả hàng lại cho Công ty Hùng Anh. Tuy nhiên, việc đưa ra những thông tin sai sự thật ít nhiều đã gây ra sự hoang mang trong dư luận xã hội. Người tiêu dùng sẽ lưỡng lự khi sử dụng những sản phẩm được đăng tin. Việc bồi thường, hay đính chính của cơ quan truyền thông chỉ làm giảm bớt một phần tổn thất của người sản xuất. Phần còn lại của cái họa từ trên trời rơi xuống này ai sẽ là người gánh chịu?
Tại Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nội dung thông tin. Thế nhưng với mức phạt như vậy có thật sự đủ để các cơ quan truyền thông phải thật sự quan tâm, thắt chặt hơn nữa trong việc đưa tin hay không?