Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền (khoản 1 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015). Trong đó, cơ quan có thẩm quyền bao gồm những cơ quan nào, các bạn có thể tham khảo thêm tại Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.
Như vậy, tố giác có vai trò là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh hành vi nào đó có dấu hiệu tội phạm hay không. Theo đó, kết quả của việc giải quyết tố giác về tội phạm sẽ là việc ra một trong ba quyết định sau: (1) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; (2) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; (3) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác.
Vậy, hiện nay pháp luật có quy định về thời hạn tố giác tội phạm không? Nếu có, thời hạn này cụ thể là bao lâu?
Câu trả lời là: pháp luật hiện nay không quy định về thời hạn tố giác. Bởi như đã đề cập ở trên, bản chất của tố giác là việc cá nhân báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi có dấu hiệu tội phạm. Qua đó, giúp cơ quan nhà nước phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật và khắc phục hậu quả (nếu có). Vì vậy không thể buộc cá nhân phải xác định xem còn thời hiệu thực hiện quyền tố giác hay không. Điều này còn thể hiện được tinh thần toàn dân phòng chống tội phạm. Mặt khác, thay vì quy định thời hạn tố giác tội phạm, pháp luật quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, xác định một hành vi có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phải căn cứ vào thời hạn được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 27: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
|
Ngoài ra, vì tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng của hành vi mà pháp luật quy định một số tội không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm sau đây:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII;
- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI;
- Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 ; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 .
Như vậy, khi có tố giác về tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận tố giác và xem xét có dấu hiệu tội phạm hay không. Nếu như có đầy đủ căn cứ và xét vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ ra quyết định khởi tố vụ án.
XỬ LÝ NGƯỜI KHÔNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Tuy không quy định về thời hạn tố giác nhưng khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cá nhân nên thực hiện tố giác sớm nhất có thể đến cơ quan có thẩm quyền để có thể tiến hành điều tra, xử lý kịp thời hành vi phạm tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Nếu biết về tội phạm nhưng không tố giác thì cá nhân đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
….
|
PHÂN BIỆT "TIN BÁO" VÀ "TỐ GIÁC" VỀ TỘI PHẠM
Tố giác và tin báo về tội phạm là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau, theo Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
- Tố giác về tội phạm: là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
- Tin báo về tội phạm: là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, khác với tin báo về tội phạm:
+ Thứ nhất, về chủ thể tố: chỉ có cá nhân mới có thể là chủ thể tiến hành tố giác về tội phạm. Còn tin báo về tội phạm có thể do cá nhân, tổ chức, cơ quan thông báo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
+ Thứ hai, về yếu tố phát hiện hành vi: chủ thể tiến hành tố giác về tội phạm phải là người phát hiện (có thể chính là bị hại hoặc người chứng kiến hành vi có dấu hiệu phạm tội xảy ra). Trong khi đó, chủ thể tin báo về tội phạm chỉ cần có thông tin về vụ việc (được nghe lại, kể lại từ người khác,…) có dấu hiệu phạm tội là có thể tiến hành tin báo trên thông tin đại chúng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.