Thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam có được trả chế độ thai sản không?

Chủ đề   RSS   
  • #614092 16/07/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 512 lần
    SMod

    Thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam có được trả chế độ thai sản không?

    Theo quy định thì lao động nam tham gia BHXH cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản. Vậy lao động nam có thời gian phép trùng với thời gian nghỉ thai sản có được chi trả chế độ thai sản trong thời gian nghỉ phép hay không? 

    Thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam có được trả chế độ thai sản không?

    Theo khoản 7 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã bổ sung khoản 5 vào Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

    Khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đối với trường hợp:

    - Người lao động đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ

    - Thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Như vậy, thời gian nghỉ phép trùng với nghỉ thai sản thì lao động nam sẽ không được trả chế độ thai sản.

    Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam

    Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014,  được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam như sau:

    - Người lao động nam được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

    + Người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

    + Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

    - Riêng với lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi. Trong đó, thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

    + Trường hợp nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi.

    + Trường hợp nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định phía trên..

    - Người lao động đủ điều kiện quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

    Như vậy, lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc mà nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi (phải đóng từ đủ 6 tháng trở lên), triệt sản hay có vợ sinh con thì sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

    Lao động nam có được hưởng chế độ nghỉ đưa vợ đi khám thai không?

    Theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau:

    - Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

    - Thời gian nghỉ việc khám thai hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

    Như vậy, chế độ khám thai chỉ áp dụng với lao động nữ. Theo đó, lao động nam sẽ không được hưởng chế độ nghỉ đưa vợ đi khám thai.

     
    163 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (03/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận