Thay đổi bốn loại lãi suất

Chủ đề   RSS   
  • #450072 21/03/2017

    Wizardma
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:13/07/2015
    Tổng số bài viết (212)
    Số điểm: 2510
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 127 lần
    Moderator

    Thay đổi bốn loại lãi suất

    Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ 1-1-2017, có một số quy định thay đổi rất đáng chú ý so với Bộ luật Dân sự năm 2005 về bốn loại lãi suất, đó là lãi suất cho vay, lãi suất chậm trả nợ gốc, lãi suất chậm trả nợ lãi và lãi suất chậm trả khác.

    Lãi suất cho vay

    Khoản 1, điều 476, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, lãi suất vay tiền “do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản”, tức là không quá 13,5%/năm kể từ cuối năm 2010 đến nay (lãi suất cơ bản là 9%/năm theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).

    Còn theo quy định tại khoản 1, điều 468 về “lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất vay tiền cũng theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm). Như vậy, từ năm 2017, trần lãi suất cho vay được nới thêm tới 6,5% (từ 13,5% lên 20%/năm). Tuy nhiên, vẫn chưa rõ, các tổ chức tín dụng (TCTD) thì có được cho vay vượt mức lãi suất 20%/năm hay không với quy định mở rộng “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

    Bộ luật Dân sự năm 2005 thì không có quy định ngoại trừ, nhưng trên thực tế những năm gần đây, tòa án thường vẫn chấp nhận các hợp đồng tín dụng thỏa thuận mức lãi suất cao hơn 13,5%/năm, thậm chí có khi lên tới 50-60%/năm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, tòa án không chấp nhận mức lãi suất vượt quá 13,5%/năm, như bản án phúc thẩm số 12/2014/KDTM-PT ngày 8-12-2014 của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị.

    Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định rõ việc các TCTD được áp dụng một mức lãi suất cho vay khác cao hơn 20%/năm. Khoản 2, điều 91 về “Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của TCTD”, Luật các TCTD năm 2010 chỉ quy định như sau: “2. TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”. Vì điều luật này không quy định rõ việc áp dụng một mức lãi suất khác cao hơn, nên chưa đủ cơ sở pháp lý chắc chắn để khẳng định rằng, TCTD được phép cho vay vượt quá 20%/năm khác với quy định của Bộ luật Dân sự.

    Trên thực tế mấy năm gần đây, nhìn chung lãi suất cho vay của các ngân hàng không quá 20%/năm. Tuy nhiên, riêng lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng thì lại phổ biến trong khoảng 20-35%/năm, đặc biệt là lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phổ biến ở mức 20-40%, có khi lên đến 50-70%. Vì vậy, nếu phải áp dụng trần lãi suất cho vay 20% của Bộ luật Dân sự, thì sẽ rất phi thực tế và trái ngược với nguyên tắc tự do hóa lãi suất đã được thừa nhận trong ngành ngân hàng và nền kinh tế thị trường.

    Để giải quyết vướng mắc này, cần phải có một trong các văn bản quy định hoặc giải thích rõ việc các TCTD được phép áp dụng mức trần lãi suất cao hơn 20% như sau: thứ nhất là Quốc hội sửa đổi Luật các TCTD năm 2010 (cho phép áp dụng vượt trần lãi suất chung) hoặc sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 (quy định lại dựa vào trần lãi suất của các TCTD). Thứ hai là Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật theo thẩm quyền. Thứ ba là Chính phủ hướng dẫn bằng nghị định hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn bằng nghị quyết. Thứ tư là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định rõ việc vượt trần lãi suất trong thông tư. Tuy nhiên, chỉ có hai phương án đầu mới bảo đảm chắc chắn về cơ sở pháp lý.

    Điều đáng ngại là, dù có hợp thức hóa được mức lãi suất cho vay vượt 20%/năm của các TCTD, thì vẫn tiếp tục gây ra tình trạng bất hợp lý giữa các chủ thể cho vay. Vì lãi suất cho vay bên ngoài TCTD, trong đó có lãi suất cho vay cầm đồ, thực tế thường phải cao hơn hoặc ít nhất cũng phải ngang bằng với mức lãi suất cho vay của các TCTD. Trước đây, điều 473, Bộ luật Dân sự năm 1995 đã từng quy định lãi suất cho vay bên ngoài cao hơn 1,5 lần so với ngân hàng. Thậm chí trước đó, Thông tư liên bộ số 02/TT-LB ngày 3-10-1995 của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thương mại “Hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ” còn cho phép lãi suất cho vay cầm đồ cao nhất gấp hơn ba lần trần lãi suất ngân hàng (0,3%/ngày hay 109%/năm so với 32%/năm).

    Đặc biệt là mức lãi suất vay nói chung, sắp tới nếu vượt 100%/năm (135%/năm trước đây), thì có nguy cơ phạm vào tội cho vay nặng lãi và nếu vay vượt 20%/năm (13,5%/năm trước năm 2017), thì bị vô hiệu, bị xử phạt hành chính và không được thừa nhận là chi phí hợp pháp để tính thuế, trong khi lãi suất cho vay của riêng các TCTD thì lại có thể được phép vượt cả mức phạm tội hình sự.

    Lãi suất chậm trả nợ gốc

    Khoản 5, điều 474, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, bên vay tiền có thỏa thuận trả lãi, nếu chậm trả nợ thì “phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản”, tức là phải trả mức lãi suất 9%/năm kể từ năm 2011 đến nay.

    Còn khoản 5, điều 466 về “Nghĩa vụ trả nợ của bên vay”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, nếu chậm trả nợ gốc thì ngoài việc phải trả nợ gốc, còn phải trả lãi với mức lãi suất “bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng”. Như vậy, theo quy định này, lãi suất chậm trả nợ gốc quá hạn tối đa kể từ năm 2017 sẽ được tăng thêm 1% so với trước kia. Quy định này cũng là bất hợp lý, vì nếu trước đây, cứ chậm trả nợ gốc là đều phải trả một mức lãi suất quá hạn 9%, thì nay sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào lãi suất vay. Ví dụ, nếu vay 2%/năm, khi quá hạn thì chỉ phải trả 3% (cộng thêm 1%), còn nếu vay 20%/năm, khi quá hạn thì phải trả tới 30%/năm (cộng thêm 10%). Đặc biệt, nếu các TCTD được phép cho vay tới 70%/năm như đã nêu trên, thì lại được phép tính lãi suất chậm trả lên tới 105%/năm. Và riêng mức lãi suất ngất ngưởng này của các TCTD còn được tiếp tục duy trì đến cả sau khi đã có phán quyết của tòa án theo Án lệ số 08/2016/AL.

    Lãi suất chậm trả nợ lãi

    Ngoài việc quy định trả nợ gốc trong hạn và quá hạn như trên, Bộ luật Dân sự năm 2015 còn có thêm một quy định mới về việc trả nợ lãi tính trên số lãi chậm trả (còn được gọi là lãi nhập gốc để tính lãi tiếp hay lãi mẹ đẻ lãi con). Cụ thể điểm a, khoản 5, điều 466, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất chậm trả đối với số tiền lãi được chốt cứng là 10%/năm.

    Trước đây, vì Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định rõ, nên thường không được tòa án và trọng tài chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm trả đối với khoản tiền lãi này.

    Quy định mới của Bộ luật Dân sự đã tăng thêm một gánh nặng đối với người vay vốn, khi không có khả năng trả nợ đối với các khoản vay lãi suất cao, thì sẽ phải trả lãi suất quá hạn rất cao, nhất là cả khoản lãi chồng lên lãi.

    Riêng lãi suất cho vay ngoại tệ của ngân hàng thì luật vẫn bỏ quên, vì sẽ là quá bất hợp lý nếu hiểu rằng, mức lãi vay ngoại tệ tối đa 20% và mức lãi chậm trả lãi bằng 10%/năm.

    Lãi suất chậm trả khác

    Ngoài hợp đồng vay tài sản như trên, trong trường giao kết các hợp đồng khác, nếu một bên chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, thì cũng sẽ phải trả lãi đối với số tiền chậm trả. Mức lãi suất này cũng có sự khác nhau trong hai Bộ luật Dân sự.

    Theo quy định tại khoản 2, điều 305, Bộ luật Dân sự năm 2005, nếu chậm trả thì sẽ phải trả theo lãi suất cơ bản, tức là không quá 9%/năm trong năm năm gần đây. Còn theo quy định tại khoản 2, điều 357 về “Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền”, Bộ luật Dân sự năm 2015, thì mức lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận, nhưng không quá 20%/năm. Nếu các bên không xác định rõ lãi suất, thì áp dụng mức 10%/năm khi có tranh chấp.

    Cả hai bộ luật cũng đều quy định, các bên có thể thỏa thuận một mức lãi suất chậm trả khác. Tuy nhiên, trên thực tế, tòa án chỉ chấp nhận mức lãi suất thỏa thuận khác thấp hơn, chứ không chấp nhận mức cao hơn 9% năm, nếu là giao dịch dân sự.

    Còn trọng tài thương mại thường chấp nhận thỏa thuận mức lãi suất chậm trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng thương mại, có thể cao hơn giới hạn 9% hay 10% theo quy định của hai Bộ luật Dân sự, nếu như lãi suất cho vay trung bình ở mức 7%/năm trở lên. Trường hợp này là căn cứ vào quy định bên bị chậm thanh toán có quyền yêu cầu bên kia trả lãi “theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường” theo quy định tại điều 306 về “Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán”, Luật Thương mại năm 2005.

    Như vậy, sau hàng chục năm vướng mắc, Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn chưa giải quyết được tình trạng quy định về lãi suất trong hạn và quá hạn khá phức tạp, khó hiểu, tù mù, bất công, không hợp lý và phi thực tế.

    Nguồn Internet.

    Luật sư - Trọng tài viên trung tâm trọng tài thương mại Công Lý Việt Nam (VIETJAC)

    Nguyễn Ngọc Anh

    Email: ngocanhlawyer@gmail.com

    Mobile: 0982502577

     
    5135 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Wizardma vì bài viết hữu ích
    trang_u (04/04/2017)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận