Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của toà án đối với văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Chủ đề   RSS   
  • #617428 12/10/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 524 lần
    SMod

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của toà án đối với văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

    Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam? Có trường hợp nào văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không được khởi kiện tại tòa án Việt Nam?

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án đối với văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

    Theo Điều 465 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài theo ủy quyền có quyền khởi kiện đến Tòa án Việt Nam để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức nước ngoài ủy quyền bị xâm phạm hoặc có tranh chấp.

    Theo Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam.

    Đồng thời, theo Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh như sau:

    - Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

    + Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

    + Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

    + Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

    - Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

    Như vậy, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có thể khởi kiện tại Tòa án Việt Nam theo uỷ quyền và cũng có thể trở thành bị đơn. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án đối với văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thuộc về Toà án nhân dân cấp tỉnh.

    Khi nào văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không được khởi kiện tại tòa án Việt Nam?

    Theo khoản 3 Điều 465 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định nhà nước Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại để hạn chế quyền tố tụng dân sự tương ứng của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài mà Tòa án của nước đó đã hạn chế quyền tố tụng dân sự đối với công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam, chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài của cơ quan, tổ chức Việt Nam.

    Trong đó, việc hạn chế quyền tố tụng dân sự có thể hiểu là những giới hạn về khả năng khởi kiện của các đương sự, thường liên quan đến việc đình chỉ vụ án và không cho phép khởi kiện lại trong một số trường hợp nhất định. 

    Như vậy, nếu toà án của nước có văn phòng đại diện tại Việt Nam có hạn chế quyền tố tụng dân sự đối với công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam, chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài của cơ quan, tổ chức Việt Nam thì toà án Việt Nam cũng có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại để hạn chế lại quyền tố tụng dân sự của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

    Theo đó, nếu nếu toà án của nước có văn phòng đại diện tại Việt Nam hạn chế quyền khởi kiện của văn phòng đại diện tại nước ngoài của cơ quan, tổ chức Việt Nam thì toà Việt Nam cũng có thể hạn chế quyền khởi kiện của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

    Năng lực pháp luật của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thế nào?

    Theo Điều 467 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định năng lực pháp luật tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nước ngoài như sau:

    - Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi cơ quan, tổ chức đó được thành lập.

    Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài được xác định theo pháp luật Việt Nam.

    - Năng lực pháp luật tố tụng dân sự của tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế được xác định trên cơ sở điều ước quốc tế là căn cứ để thành lập tổ chức đó, quy chế hoạt động của tổ chức quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    Trường hợp tổ chức quốc tế tuyên bố từ bỏ quyền ưu đãi, quyền miễn trừ thì năng lực pháp luật tố tụng dân sự của tổ chức quốc tế đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.

    Như vậy, năng lực pháp luật của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam sẽ được xác định theo pháp luật Việt Nam.

     
    212 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận