Tên miền là một trong những yếu tố không thể thiếu khi tạo lập website, bất kể là trang web nào dù hoạt động kinh doanh, giải trí, chính trị hay bất cứ lĩnh vực nào có liên quan và hoạt động trên không gian mạng đều cũng phải đăng ký tên miền. Đây được xem là địa chỉ của trang web và cũng như thương hiệu riêng hay một danh thiếp trên môi trường mạng.
Tên miền có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với chủ sở hữu website đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhầm đảm bảo an toàn an ninh mạng của quốc gia, cơ quan chức năng buộc phải thu hồi tên miền. Vậy, tên miền sẽ bị thu hồi trong trường hợp nào?
Tên miền là gì?
- Tên miền dùng các kí tự dựa trên cơ sở bảng mã ASCII, sau đây gọi là tên miền mã ASCII.
- Tên miền dùng bảng chữ cái dựa trên cơ sở ngôn ngữ truyền thống của từng quốc gia, sau đây gọi là tên miền đa ngữ (IDN).
Có thể hiểu đơn giản tên miền là tên của một website hoạt động trên internet, đóng vai trò là một địa chỉ tĩnh, cố định. Nó giống như là địa chỉ nhà hay mã zip code để giúp các thiết bị định tuyến vệ tinh dẫn đường cho hàng hóa lưu thông, một trình duyệt cũng cần một tên miền để dẫn đường tới nơi chứa website của bạn.
Thu hồi tên miền bảo vệ an ninh mạng
Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 5 Luật An ninh mạng 2018 quy định phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật.
Nhằm thực hiện cụ thể biện pháp trên thì Điều 21 Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền như sau:
02 trường hợp áp dụng biện pháp thu hồi tên miền bao gồm:
- Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng.
- Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Và Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quyết định trên.
Thủ tục thực hiện biện pháp thu hồi tên miền
Báo cáo về việc áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền.
Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền.
Gửi văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin hoặc gửi Trung tâm Internet Việt Nam đề nghị tạm ngừng, thu hồi tên miền, văn bản yêu cầu nêu rõ lý do, thời gian, nội dung và kiến nghị.
Đặc biệt, trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn kịp thời hoạt động của hệ thống thông tin tránh gây nguy hại cho an ninh quốc gia hoặc cần ngăn chặn hậu quả tác hại có thể xảy ra.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản qua fax, email để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin.
Trong thời gian chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao gửi văn bản yêu cầu đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin.
Việc đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin phải được lập thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm, căn cứ và được lập thành 02 bản. Cơ quan chức năng có thẩm quyền giữ một bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý hệ thống thông tin giữ một bản.
Như vậy, tên miền của một website sẽ bị thu hồi nếu rơi vào 02 trường hợp đó là có tài liệu chứng hệ thống thông tin của website vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng hoặc website được lập ra với mục đích vi phạm. Theo đó, do lỗi chủ quan hoặc do lỗi cố ý mà dẫn đến vi phạm sẽ bị thu hồi tên miền. Qua đó, đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia.