Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Chấm dứt việc ủy quyền của cổ đông là tổ chức.
Theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thì “Người đại diện theo ủy quyền là cá nhân được thành viên, cổ đông là tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần uỷ quyền bằng văn bản thực hiện các quyền của mình tại công ty theo quy định của Luật này”.
Như vậy, công ty bạn cử ông B đại diện quản lý vốn tại Công ty cổ phần A thì ông B có những quyền và nghĩa vụ tương ứng tại Công ty cổ phần A theo nội dung ủy quyền.
Theo quy định tại Điều 148 Bộ Luật Dân sự thì đại diện theo ủy quyền của pháp nhân chấm dứt khi: "Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành”.
Ông B nghỉ việc ở Công ty bạn, công ty bạn cử ông C làm người đại diện quản lý vốn thay ông B tại Công ty A được hiểu là việc ủy quyền của công ty bạn với ông B đã chấm dứt, ông B không còn là người đại diện cho công ty bạn để quản lý vốn tại Công ty cổ phần A nữa, việc Công ty A xử lý quyền và nghĩa vụ của Ông B như thế nào bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn của chúng tôi như dưới đây.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Hội đồng quản trị
Theo quy định tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2005 về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần thì thành viên Hội đồng quản trị phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật này;
- Là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.
Khoản 4 Điều 109 Luật Doanh nghiệp 2005 cũng nêu rõ “Thành viên Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông của công ty”.
Như vậy, nếu ông B không phải là cổ đông (không đại diện quản lý vốn cho công ty bạn) khi đáp ứng được các quy định nêu trên và Điều lệ công ty A không có quy định khác thì vẫn có thể thành thành viên Hội đồng quản trị của công ty A.
Bạn đối chiếu quy định của Điều lệ Công ty A để xác định tư cách thành viên hội đồng quản trị của ông B trong trường hợp này nhé.
3. Miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị
Điều 115 Luật Doanh nghiệp quy định thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm, bãi nhiệm trong các trường hợp:
- Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 110 của Luật này;
- Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong sáu tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Có đơn xin từ chức;
- Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
Ngoài ra, thành viên Hội đồng quản trị có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Giả thiết, điều lệ công ty A không có quy định cụ thể (về việc ông B đương nhiên không còn là thành viên hội đồng quản trị khi không còn đại diện vốn cho công ty bạn) mà công ty của bạn muốn chấm dứt tư cách thành viên hội đồng quản trị của ông B tại công ty A thì với tư cách cổ đông (căn cứ tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty A), công ty bạn có quyền đề cử người tham gia thành viên hội đồng quản trị để đại hội đồng cổ đông công ty A bầu trong kỳ họp tới.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và công ty sức khỏe, thành công.
Trân trọng./.
Cập nhật bởi daolienluatsu ngày 04/01/2015 07:48:46 SA