Số hiệu
|
45/2008/DS-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm về vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất"
|
Ngày ban hành
|
24/12/2008
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Dân sự
|
……..
Ngày 24 tháng 12 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” giữa:
Nguyên đơn: Bà Trần Thị Hậu sinh năm 1950; trú tại nhà số 45 đường 30/4, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Bị đơn: Ông Trần Văn Sáu sinh năm 1966; trú tại nhà số Z16 cư xá Phúc Hải, phường Tân Phong, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Phạm Thị Thu (vợ của ông Sáu) sinh năm 1967;
2. Bà Trương Thị Kim Tuyết (người thuê nhà của ông Sáu) sinh năm 1970;
Đều trú tại nhà số Z16 cư xá Phúc Hải, phường Tân Phong, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
NHẬN THẤY:
Tại đơn khởi kiện đề ngày 02-4-2002 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà Trần Thị Hậu trình bày: Ông Trần Văn Sáu là em ruột của bà; năm 1982 bà đưa ông Sáu từ Miền Bắc vào ở cùng với bà, năm 1987 bà nhập hộ khẩu cho ông Sáu vào cùng hộ khẩu của gia đình bà và xin việc làm cho ông Sáu tại Công ty khoan cấp nước, thời điểm đó ông Sáu chưa đủ tiêu chuẩn được cấp đất nên bà làm thủ tục xin một lô đất theo tiêu chuẩn gia đình liệt sỹ (ông Trần Văn Quế, em trai của bà là liệt sỹ) để làm nhà ở, nhưng để ông Sáu đứng tên với ý định sau này bà sẽ đưa bố và ông Trần Văn Tám (em trai của bà) vào ở (vì bà đã có nhà ở riêng), do đó Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai đã cấp 250m2đất đứng tên ông Sáu; sau khi được cấp đất, bà bỏ tiền san ủi mặt bằng, đền bù tiền hoa màu, lấn thêm đất xung quanh nên diện tích đất hiện nay là 404m2; đồng thời bà bỏ tiền ra xây dựng căn nhà cấp 4 và cho ông Sáu ở tại căn nhà này (vì trước đó ông Sáu vẫn ở chung cùng với gia đình bà); năm 1988, bà làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đứng tên ông Sáu. Do bố của bà và ông Tám đều đã chết, nên sau khi ông Sáu lập gia đình thì bà vẫn cho vợ chồng ông Sáu ở tại căn nhà này với ý định sau này sẽ cho ông Sáu 125m2 (là 1/2 diện tích đất được cấp). Năm 2000, vợ chồng ông Sáu xin phép bà xây dựng thêm 1 căn nhà mới tại thửa đất trên, bà đồng ý, do ông Sáu có ý định chiếm nhà, đất của bà nên chị em có mâu thuẫn; nay bà đồng ý cho vợ chồng ông Sáu sử dụng phần đất mà ông Sáu cất nhà năm 2000, còn căn nhà do bà xây cất năm 1988 và phần đất còn lại bà yêu cầu ông Sáu trả lại cho bà.
Bị đơn là ông Trần Văn Sáu cho rằng: Năm 1980 ông vào ở với bà Hậu, năm 1984 ông ra Miền Bắc, năm 1985 ông lại vào ở với bà Hậu; sau đó, bà Hậu xin cho ông vào làm việc tại Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai (cùng cơ quan với bà Hậu); năm 1988 bà Hậu làm đơn xin cấp đất theo tiêu chuẩn gia đình liệt sỹ của gia đình, nhưng mọi giấy tờ do ông đứng tên (vì bà Hậu đã có nhà đất). Saukhi được cấp đất, ông và bà Hậu cùng bỏ tiền ra làm nhà cấp 4 để ông ở, quá trình quản lý, sử dụng, ông có khai phá thêm đất (sau này, tại phiên toà sơ thẩm ngày 11-9-2003, ông Sáu thừa nhận căn nhà cấp 4 do bà Hậu bỏ tiền ra xây dựng); toàn bộ giấy tờ xin đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà năm 1988 đều do bà Hậu làm, nhưng đứng tên ông; sau khi xây cất nhà (nhà số Z16 cư xá Phúc Hải), ông ở tại căn nhà này từ đó đến nay; việc bà Hậu xin đất là xin cho ông và giúp đỡ ông làm nhà; năm 2000, ông đã làm thêm một căn nhà khoảng 90m2, hiện vợ chồng ông đang ở, còn căn nhà cũ hiện ông cho bà Trương Thị Kim Tuyết thuê; năm 2002, vợ chồng ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; do đó, nhà, đất là của ông nên ông không đồng ý theo yêu cầu của bà Hậu mà chỉ chấp nhận thanh toán trị giá căn nhà do bà Hậu xây cất.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị Thu (vợ của ông Sáu) đồng ý với lời trình bày và yêu cầu của ông Sáu.
Bà Trương Thị Kim Tuyết xác định thuê nhà của ông Sáu từ tháng 2-2003, khi thuê chỉ hợp đồng miệng, việc tranh chấp nhà, đất giữa bà Hậu với ông Sáu bà không liên quan và sẽ chấp hành theo phán quyết của Toà án.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 328/DSST ngày 14-9-2003 của Toà án nhân dân thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Trần Thị Hậu về việc đòi lại căn nhà Z16 và diện tích đất 404m2 đất tại phường Tân Phong. Buộc ông Trần Văn Sáu và bà Phạm Thị Thu phải trả lại cho bà Hậu căn nhà Z16 cư xá Phúc Hải, phường Tân Phong diện tích xây dựng 18m2. Cấu trúc nhà trệt cấp 4 nền xi măng, tường gạch, cột gạch, mái tôn xi măng, trần ván ép. Kèm theo lô đất 252,353m2 có hình L chiều rộng phía trước 11m, chiều rộng phía sau 9m, chiều dài 23,42m, chiều cao hình L 4,5m có tứ cận phía Bắc giáp đường đi; phía Nam giáp đất anh Lê Hoài Nam; phía Đông giáp nhà ông Trần Văn Sáu; phía Tây giáp đất anh Nguyễn Trung Cấp.
Ông Sáu, bà Thu được sở hữu căn nhà Z16 diện tích 90,41m2 xây dựng năm 2000 do vợ chồng xây kèm theo 151,65m2 có hình L chiều rộng phía trước 6m tính từ tường rào nhà chị Quý, chiều dài 23,42m, chiều rộng phía sau 8,32m, chiều cao L 4,5m. Tứ cận phía Bắc giáp đường đi; phía Nam giáp nhà anh Vinh; phía Đông giáp nhà chị Quý; phía Tây giáp nhà bà Hậu. Bà Hậu phải thanh toán cho ông Sáu các khoản chi phí xây sửa thêm gồm chuồng heo, hồ nước, giếng nước nhà vòm và cây ăn trái tổng số tiền là 2.735.350 đồng.
Huỷ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 463 ngày 24-10-2002 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp cho vợ chồng ông Sáu, bà Thu và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà Z16 số 10479 ngày 24-8-1988 do Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp cho ông Trần Văn Sáu.
Bà Hậu và ông Sáu tự liên hệ với các cơ quan chức năng để làm thủ tục kê khai về nhà ở, đất ở theo quy định.
Huỷ hợp đồng thuê nhà giữa bà Trương Thị Kim Tuyết với ông Trần Văn Sáu. Bà Tuyết phải giao lại căn nhà đang thuê cho bà Hậu.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo của các đương sự và nghĩa vụ do chậm thi hành án.
Ngày 18-4-2003, bà Hậu kháng cáo cho rằng bà chỉ đồng ý cho ông Sáu 1/2 diện tích đất được cấp (có nhà do vợ chồng ông Sáu xây cất), nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại quyết định cho ông Sáu 151,62m2 là không đúng yêu cầu của bà; sau đó bà Hậu có kháng cáo bổ sung cho rằng căn nhà bà xây cất năm 1987, ông Sáu cho bà Tuyết thuê nên yêu cầu ông Sáu trả lại khoản tiền thuê nhà mỗi tháng là 200.000 đồng tính từ tháng 01 năm 2001 đến tháng 10 năm 2003; tổng số là 6.800.000 đồng; tại biên bản hòa giải ngày 04-12-2003, bà Hậu không yêu cầu vợ chồng ông Sáu phải thanh toán tiền thuê nhà nêu trên.
Ngày 22-9-2003, ông Sáu, bà Thu kháng cáo cho rằng diện tích đất tranh chấp là do ông Sáu được cấp, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, ông, bà đã ở ổn định từ năm 1988 đến nay, nhưng Tòa án lại công nhận nhà, đất là của bà Hậu và hủy các giấy chứng nhận quyền sở hữu của ông, bà là không đúng.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 220/DSPT ngày 24-9-2004, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định: Sửa bản án sơ thẩm như sau:
Bác yêu cầu của bà Trần Thị Hậu. Ông Trần Văn Sáu và bà Phạm Thị Thu được quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở Z16 khu phố 4, phường Tân Phong, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở ngày 24-10-2002.
Tách và dành quyền khởi kiện cho bà Trần Thị Hậu với ông Trần Văn Sáu, bà Phạm Thị Thu về tiền xây dựng nhà Z16 diện tích 18m2, tường rào, chi phí bồi thường hoa màu, san lấp mặt bằng khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 30-9-2004 bà Hậu có đơn khiếu nại.
Tại Quyết định số145/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 30-11-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai. Đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; giữ nguyên Quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 328/DSST ngày 14-9-2003 của Toà án nhân dân thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai với nhận định: Căn nhà Z16 trên thửa đất đang tranh chấp mặc dù ông Sáu đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nhưng do bà Hậu đứng ra xin đất làm nhà. Toà án cấp sơ thẩm buộc ông Sáu, bà Thu trả cho bà Hậu căn nhà Z16 trên 252,35m2 đất và giao ông Sáu sử dụng căn nhà do ông làm trên 151m2 đất là hợp tình, hợp lý. Toà án cấp phúc thẩm bác yêu cầu của bà Hậu đòi lại nhà đất là không đúng.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số67/2007/DS-GĐT ngày 09-3-2007, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 220/DSPT ngày 24-9-2004 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai; giữ nguyên hiệu lực pháp luật của bản án sơ thẩm dân sự số 328/DSST ngày 11-9-2003 của Toà án nhân dân thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai với nhận định mặc dù về thủ tục xin đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cấp năm 1988 đứng tên ông Sáu, nhưng thực tế ông Sáu không có công lao gì đối với ngôi nhà và thửa đất này, mà ông Sáu chỉ là người đứng tên đại diện khi bà Hậu đặt vấn đề xin đất với cơ quan bà và Sở xây dựng. Ngay cả việc được Nhà nước cấp đất chỉ với diện tích 250m2, nhưng do bà Hậu san lấp và đã lấn được thêm phần ngõ đi bỏ hoang ở phía sau nên diện tích đất đã mở rộng thành 404m2. Tháng 4-2002 bà Hậu đã có đơn khởi kiện tại Toà án, nhưng ngày 24-10-2002, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho ông Sáu đối với nhà đất tranh chấp là không đúng quy định của pháp luật. Do đó phải xác định ngôi nhà Z16 trên thửa đất này hoàn toàn do công sức của bà Hậu tạo ra với ý định bà Hậu đưa bố bà và em bà vào ở để báo hiếu. Nay bố bà đã mất, bà và ông Sáu tranh chấp thì phải xác định căn nhà Z16 và thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Hậu, trong đó xác định ông Sáu cũng có một phần quyền do công đứng tên. Toà án cấp sơ thẩm đã căn cứ công sức thực tế và tự nguyện của bà Hậu buộc ông Sáu, bà Thu trả cho bà Hậu căn nhà Z16 và diện tích 252,253m2; còn ông Sáu, bà Thu được sử dụng thửa đất diện tích 151,65m2, trên có căn nhà do ông Sáu, bà Thu làm năm 2000 là có tình, có lý.
Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, ông Sáu, bà Thu có đơn khiếu nại.
Tại Quyết định số225/2008/KN-DS ngày 01-8-2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm nêu trên của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ Quyết định giám đốc thẩm nêu trên của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao; huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 220/DSPT ngày 24-9-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 328/DSST ngày 11-9-2003 của Toà án nhân dân thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:
…Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì ngày 11-5-1988, Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp cho ông Trần Văn Sáu mảnh đất số 16 lô L diện tích là 250m2 để làm nhà ở; ngày 24-8-1988, Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho ông Trần Văn Sáu với diện tích xây dựng là 18m2, diện tích sân vườn được phép sử dụng là 232m2 đất. Như vậy, có cơ sở xác định, về pháp lý, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đã công nhận quyền sử dụng hợp pháp cho ông Sáu đối với 250m2 đất, nên ông Sáu có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất này.
Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào việc bà Hậu làm các thủ tục xin cấp đất, làm nhà, xin cấp quyền sở hữu nhà đứng tên ông Sáu, từ đó xác định ông Sáu đứng tên trên danh nghĩa, nên xác định toàn bộ diện tích đất tranh chấp là của bà Hậu và chấp nhận sự tự nguyện của bà Hậu cho vợ chồng ông Sáu được quyền sử dụng 151,65m2 đất (công nhận cho bà Hậu được quyền sử dụng 252,353m2) là không có căn cứ.
Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; giữ nguyên hiệu lực pháp luật của bản án sơ thẩm của Tòa án nhân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng là không đúng.
Tuy nhiên, trong thực tế, bà Hậu là người có nhiều công sức trong việc xin cấp đất, theo lời khai của bà Hậu thì bà Hậu còn có công san ủi đất, lấn chiếm thêm đất và xây dựng căn nhà cho ông Sáu ở. Trong trường hợp này lẽ ra phải thu thập chứng cứ xác định rõ công sức của bà Hậu để giao cho bà Hậu một phần đất tương xứng với công sức của bà Hậu thì mới đảm bảo quyền lợi cho các đương sự; (bởi vì tuy chính quyền địa phương cấp cho ông Sáu 250m2 đất, nhưng năm 2002 Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai lại cấp giấy chứng nhận cho ông Sáu 386,50m2 đất và diện tích đất hiện nay gia đình ông Sáu đang sử dụng là 404m2).
Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Quyết định cấp đất số 94/QĐNĐ ngày 11-5-1988, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ngày 24-8-1988, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đứng tên ông Sáu ngày 24-10-2002, để từ đó công nhận ông Sáu có quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất là có căn cứ, nhưng chưa xem xét giải quyết về công sức đóng góp của bà Hậu mà quyết định tách phần xây dựng nhà Z16 (diện tích 18m2), chi phí bồi thường hoa màu, san lấp mặt bằng, xây tường rào của bà Hậu bằng một vụ án khác, không giải quyết đồng thời trong vụ án này là chưa giải quyết triệt để vụ án.
Ngoài ra, như đã nêu, trên thực tế ông Sáu đang quản lý, sử dụng 404m2 đất, trong khi đó ông Sáu được cấp chỉ là 250m2 và năm 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sáu đối với 386,50m2; như vậy là còn 17,5m2 đất không nằm trong diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhưng Tòa án các cấp không có nhận định gì là có thiếu sót.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị nêu trên của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát nhân tối cao còn có ý kiến bổ sung cho rằng trên thực tế bà Hậu là người xin đất, làm nhà, còn ông Sáu chỉ là người đứng tên trên danh nghĩa. Vì vậy đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét đảm bảo quyền lợi cho bà Hậu.
XÉT THẤY:
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, thì năm 1988, bà Trần Thị Hậu làm thủ tục xin một lô đất theo tiêu chuẩn gia đình liệt sỹ (ông Trần Văn Quế, em trai của bà là liệt sỹ) để làm nhà ở, nhưng vì bà đã có nhà ở riêng nên để cho ông Trần Văn Sáu (em trai của bà) đứng tên. Sau khi được cấp đất, bà Hậu bỏ tiền ra xây dựng nhà ở và tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đứng tên ông Sáu. Ngày 11-5-1988, Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp cho ông Trần Văn Sáu mảnh đất số 16 lô L diện tích là 250 m2 để làm nhà ở; ngày 24-8-1988, Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho ông Trần Văn Sáu với diện tích xây dựng là 18m2, diện tích sân vườn được phép sử dụng là 232m2 đất.
Bà Hậu cho rằng việc bà xin đất là xin cho gia đình theo diện chính sách, sau khi được cấp đất bà đã trả tiền đền bù, mở rộng thêm nên diện tích là 404m2, đồng thời bà xây cất nhà ở, còn ông Sáu cho rằng do bà Hậu quen biết nhiều nên ông nhờ bà Hậu xin giúp đất cho ông, diện tích đất tăng lên cũng do ông mở rộng thêm. Như vậy, lời khai của các đương sự không thống nhất về điều kiện để được cấp đất, người có tiêu chuẩn được cấp và người lấn chiếm thêm diện tích đất. Trong khi cả bà Hậu và ông Sáu đều không phải là những người được hưởng chính sách theo tiêu chuẩn là thân nhân liệt sĩ, còn cha của ông Sáu, bà Hậu (là cha của liệt sĩ) đang cư trú ở Miền Bắc. Hơn nữa, tại thời điểm mà Sở xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp đất, thì ông Sáu đang là công nhân theo hợp đồng, còn gia đình bà Hậu đã có nhà, đất ở riêng. Lẽ ra, phải xác minh làm rõ về chủ trương, thủ tục, trình tự, đối tượng được cấp đất và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về trường hợp được cấp đất nêu trên thì mới đủ cơ sở giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ về các vấn đề nêu trên và chưa hỏi rõ cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về các vấn đề trên, nhưng đã giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Nếu các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương vẫn xác định việc cấp đất cho ông Sáu là đúng thì phải xem xét đến công sức của bà Hậu trong việc xin đất, cất nhà, lấn đất, đồng thời xem xét giải quyết cả phần đất lấn chiếm thì mới giải quyết triệt để vụ án.
Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Quyết định cấp đất số 94/QĐNĐ ngày 11-5-1988, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ngày 24-8-1988, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đứng tên ông Sáu ngày 24-10-2002 (sau khi phát sinh tranh chấp), để từ đó công nhận ông Sáu có quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất là chưa đủ căn cứ vững chắc và cũng chưa xem xét giải quyết về công sức đóng góp của bà Hậu mà quyết định tách phần xây dựng nhà Z16 (diện tích 18m2), chi phí bồi thường hoa màu, san lấp mặt bằng, xây tường rào của bà Hậu bằng một vụ án khác là chưa giải quyết triệt để vụ án.
Ngoài ra, như đã nêu, trên thực tế ông Sáu đang quản lý, sử dụng 404m2 đất, trong khi đó ông Sáu được cấp chỉ là 250m2 và năm 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sáu đối với 386,50m2; như vậy là còn 17,5m2 đất không nằm trong diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn nằm trong cùng khuôn viên đất tranh chấp, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét giải quyết là không đúng.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy Quyết định giám đốc thẩm số67/2007/DS-GĐT ngày 09-3-2007 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 220/DSPT ngày 24-9-2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 328/DSST ngày 11-9-2003 của Toà án nhân dân thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai về vụ án “Tranh chấp nhà đất” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Hậu với bị đơn là ông Trần Văn Sáu; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các bà Phạm Thị Thu, Trương Thị Kim Tuyết.
2. Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do quyết định giám đốc thẩm của Tòa dân sự TANDTC, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:
Vụ án cần được xét xử sơ thẩm lại theo hướng thu thập chứng cứ làm rõ công sức của nguyên đơn trong việc san lấp mặt bằng… đối với diện tích đất đang tranh chấp.